Hiệu quả từ mô hình nuôi dê theo hướng an toàn sinh học ở Trà Vinh

Hiệu quả từ mô hình nuôi dê theo hướng an toàn sinh học ở Trà Vinh
Đây là mô hình do Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh) phối hợp với Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh (AMD Trà Vinh) thực hiện thành công tại gia đình anh Thạch Phong, ấp Kinh Đào, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải. Nhờ nuôi dê theo hướng an toàn sinh học, gia đình anh Thạch Phong đã thoát nghèo, hiện có thu nhập khá ổn định.

Anh Thạch Phong chia sẻ, gia đình anh có 2 công đất trồng trọt (1 công = 1.000 m2) nhưng thường xuyên bị nhiễm mặn nên sản xuất không hiệu quả. Tháng 9/2016, gia đình anh được Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh (AMD Trà Vinh) chọn tham gia mô hình nuôi dê theo hướng an toàn sinh học và ủ phân vi sinh.

Dự án AMD đã hỗ trợ anh gần 29 triệu đồng, anh Phong thêm vào khoảng 9 triệu đồng để mua 5 con dê mẹ và 1 con dê giống. Sau 1 năm đàn dê sinh sản được 10 con dê con. Đàn dê con này nuôi thêm khoảng 6-7 tháng, dê đạt trọng lượng khoảng 20 kg thì gia đình anh xuất bán, với giá dê thịt 2 triệu đồng/con, dê giống 3 triệu đồng/con.

Anh Thạch Phong cho biết, 2 công đất của gia đình anh hiện nay dùng trồng cỏ để làm thức ăn cho dê. Dê rất dễ chăm sóc, trung bình khoảng 2 năm, đàn dê của gia đình anh sinh sản 3 lứa, mỗi lứa xuất bán mang lại thu nhập hơn 20 triệu đồng. Tổng đàn dê của gia đình anh hiện có 22 con; trong đó, anh thường xuyên duy trì 9 con dê mẹ và 1 con dê giống. Nhờ thu nhập gia đình được cải thiện, năm 2017, anh đăng kí với chính quyền địa phương xin “ra khỏi” hộ nghèo.

Ông Nguyễn Văn Phùng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh) cho biết, Xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải  là một xã ven biển  của tỉnh Trà Vinh, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, cùng với nuôi trồng thủy sản, thì nghề chăn nuôi dê cũng phát triển khá mạnh địa phương.

Tuy nhiên, do hầu hết các hộ nuôi ở quy mô nhỏ, lẻ, theo phương thức truyền thống, chưa áp dụng nhiều các tiến bộ kỹ thuật, nên khó khống chế dịch bệnh, từ đó, hiệu quả chưa cao.

Để khơi dậy phong trào chăn nuôi dê theo hướng hàng hóa có kiểm soát, an toàn sinh học và  xử lý chất thải, thì việc chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi cho các nông hộ tại xã Long Vĩnh là hết sức cần thiết. Xuất phát từ thực tế đó, Dự án AMD tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ gia đình anh Thạch Phong thực hiện mô hình “Chăn nuôi dê an toàn sinh học và ủ phân vi sinh”.

Thực hiện mô hình, Trạm Khuyến nông địa phương đã tổ chức 2 cuộc tập huấn với 60 lượt người tham dự với các nội dung kỹ thuật như: giới thiệu các giống dê, cách chọn dê cái để nuôi sinh sản, dê đực làm nọc giống, phối giống cho dê; thiết kế chuồng trại; thức ăn dinh dưỡng cho dê, kỹ thuật trồng các loại cỏ, ủ thức ăn xanh; chăm sóc nuôi dưỡng dê các lứa tuổi; phòng và trị các bệnh thường gặp trên dê. Ngoài ra, hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 30% vật tư, gồm thức ăn bổ sung, đá liếm, thuốc thú y và men vi sinh để ủ phân.

Kết quả, mô hình hạn chế được dịch bệnh, tỷ lệ dê nuôi sống đạt 98%; đồng thời, bảo vệ được môi trường, giảm 90-95% mùi hôi so với cách nuôi truyền thống trước đây.

Qua mô hình trình diễn, các nông hộ đã nắm bắt được kỹ thuật nuôi dê an toàn sinh học, từ việc chọn giống đến sử dụng thức ăn hỗn hợp cho từng giai đoạn phát triển của dê, biết chủ động trồng cỏ và ủ thức ăn xanh, sử dụng đá liếm, phòng trị bệnh cho dê…

Từ hiệu quả của mô hình, đến thời điểm tổng kết, mô hình đã thu hút trên 30 hộ chăn nuôi dê trong và ngoài xã đến tham quan và có trên 25 hộ trong khu vực mạnh dạn làm theo.

Để giải quyết đầu ra cho nghề chăn nuôi dê, tỉnh Trà Vinh đang mời gọi doanh nghiệp đầu tư Dự án phát triển chăn nuôi dê tại các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung của tỉnh, gồm các huyện Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải, với tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến 30 tỷ đồng/khu, quy mô 500 con/khu.

Theo đó, tỉnh thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động, tư vấn cho tạo lập, đăng kí và bảo hộ tài sản trí tuệ, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Nghĩa Thọ, Giám đốc Ban điều phối Dự án AMD Trà Vinh cho biết,  Dự án thích ứng biến đổi khí hậu được thực hiện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh từ năm 2014-2020 do Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế tài trợ, với mục đích nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu của cộng đồng, từ đó xây dựng sinh kế bền vững cho người nghèo ở nông thôn trong điều kiện môi trường thay đổi.

Sau 5 năm triển khai, Dự án đã lồng ghép cùng nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới xây dựng được 114 công trình quy mô nhỏ tại 30 xã mục tiêu của dự án (thuộc 7 huyện trong tỉnh), với tổng kinh phí hỗ trợ gần 100 tỷ đồng.

Đồng thời, thông qua 500 tổ hợp tác và gần 200 hộ cá thể, dự án đã giải ngân khoảng 130 tỷ đồng hỗ trợ 25.000 hộ ở vùng nông thôn giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu. Nhiều mô hình hiệu quả đã được nhân rộng tại các địa phương trong tỉnh.
Thanh Hòa
TTXVN

Có thể bạn quan tâm