Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình VAC

Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình VAC
Đến nay, mỗi năm anh xuất từ 3-4 lứa gà, mỗi lứa khoảng 2.000 con; nuôi 20 con bò, trâu, mỗi năm bán được 5 con… Tổng lợi nhuận thu về 360 triệu đồng/năm; trong đó, lợi nhuận từ gà 160 triệu đồng, cá 100 triệu đồng, còn lại là từ bò, trâu và cây ăn quả.

Trước đây, anh Trần Mạnh Giang làm việc tại Trạm Khuyến Nông huyện Văn Yên. Đến năm 2007 anh xin nghỉ làm và về địa phương xây dựng mô hình kinh tế VAC.

Vợ chồng anh Giang tận dụng rơm khô làm thức ăn cho trâu, bò, giảm chi phí mua cám. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN
Vợ chồng anh Giang tận dụng rơm khô làm thức ăn cho trâu, bò,
giảm chi phí mua cám. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

Nhận thấy mảnh đất của gia đình có điều kiện thuận lợi phát triển mô hình nên anh đã bàn với gia đình để triển khai thực hiện. Lúc đầu vợ và bố mẹ anh không đồng ý nhưng với sự quyết tâm dám nghĩ dám làm, anh đã vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và của anh em, bạn bè để đầu tư xây dựng chuồng lợn, mua giống và trồng cây bưởi.

Bắt đầu triển khai từ năm 2010, với diện tích đất khoảng 4 sào đủ cho anh nuôi được 100 con lợn và trồng vài chục gốc bưởi. Sau hơn 5 năm nuôi lợn, trồng bưởi, anh đã trả hết nợ và tích cóp được một khoản tiền kha khá.

Số tiền lãi này anh lại tiếp tục mua thêm đất của người dân để mở rộng quy mô, phát triển các loại hình chăn nuôi, trồng trọt mới. Vì vậy, tổng diện tích trồng trọt của anh Trần Mạnh Giang đã lên tới 2 ha. Sau đó anh còn đầu tư trồng thêm 70 gốc bưởi và nay đã có 150 gốc bưởi đang cho thu hoạch.

Mô hình VAC của anh Giang tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN
Mô hình VAC của anh Giang tạo thêm việc làm
cho lao động địa phương. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

Cuối năm 2016, giá lợn hơi bắt đầu giảm, nhận thấy việc nuôi lợn không khả thi, năm 2017 anh Giang chuyển đổi sang mô hình nuôi gà Minh Dư với quy mô 2.000 con/lứa và trồng thêm 300 gốc cam. Với diện tích đất vườn rộng rất thuận lợi cho việc nuôi gà, tận dụng phân gà anh bón cho cây trồng nhằm giảm bớt chi chí mua phân bón hóa học.

Năm 2018, anh chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm thêm 3 ao nuôi cá với diện tích mặt nước 3.600 m2 và chủ yếu nuôi các loại cá thông thường như: trắm cỏ, trôi, rô đơn tính…

Theo anh Giang nuôi cá không mất nhiều công chăm sóc, hàng ngày chỉ tranh thủ 30 phút để cắt cỏ cho cá ăn và cho ăn cám. Anh đã tận dụng bờ ao và khoảng đất trống ở ngoài mép vườn để trồng cỏ voi làm thức ăn cho cá.

Chưa dừng lại ở đó, anh Giang tiếp tục vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng chuồng và mua giống bò, trâu về nuôi. Đến nay, mô hình VAC của gia đình hoạt động ổn định và mang lại hiệu quả.

Anh Giang chia sẻ, anh nuôi nhiều loại con và trồng xen cây ăn quả nhằm giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi, nếu chỉ tập trung nuôi một loại con, cây thì khi gặp sự cố sẽ bị mất trắng.

Chăn nuôi gà, bò, cá không mất nhiều công chăm sóc nhưng phải đáp ứng đúng yêu cầu kỹ thuật. Trước đây, anh học ngành thú ý nên có nhiều kiến thức về cách chăm sóc các loại vật nuôi và học hỏi thêm ở trên mạng và nhiều hộ chăn nuôi khác.

Trại gà của anh Giang xuất bán được 3 - 4 lứa gà/năm, mỗi lứa khoảng 2000 con. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN
Trại gà của anh Giang xuất bán được 3 - 4 lứa gà/năm,
mỗi lứa khoảng 2000 con. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

Để mô hình thành công như hiện nay, theo anh chuẩn bị tốt chuồng nuôi, máng ăn, nước uống, thuốc thú y, đèn sưởi... Đồng thời, lựa chọn giống tốt, khỏe mạnh, kết hợp với chăm sóc, thức ăn đảm bảo và thực hiện tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ để phòng bệnh. Nhờ vậy, từ khi chăn nuôi đến nay đàn vật nuôi của gia đình luôn sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao.

Trong chăn nuôi, đầu ra sản phẩm là một khâu rất quan trọng, với tính cách ham học hỏi anh Giang đã tự đi tìm các thương lái ở những chợ đầu mối hay các nhà hàng tại các tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và thành phố Hà Nội để bán gà.

Không uổng công sức, đến nay mỗi lứa gà khi anh xuất bán các thương lái đến tận nhà để mua. Đối với bò, trâu anh chủ yếu bán cho thương lái ở tỉnh Thái Nguyên. Còn lại cá và quả bưởi, cam anh bán cho người dân địa phương trong huyện. Mỗi sản phẩm của anh đều có đầu ra ổn định.

Mô hình VAC của anh Giang không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, mà còn tạo việc làm cho 1-3 lao động tại địa phương. Ngoài việc chăn nuôi anh còn mở thêm quán để bán các loại thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Cùng với đó, ảnh còn hướng dẫn bà con nhân dân trong xã về kỹ năng, cách thức chăn nuôi gia súc, gia cầm. Năm 2017, anh đã hướng dẫn cho gia đình anh Trần Văn Tuân ở trong thôn chăn nuôi gà với quy mô gần 1.000 con. Đến nay mô hình nuôi gà của anh Tuân đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Ông Trần Xuân Ngọc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đông An cho biết, anh Trần Mạnh Giang là thanh niên điển hình trong xã dám nghĩ dám làm trong phát triển kinh tế; vừa có trình độ văn hóa cao, vừa siêng năng trong sản xuất.

Nhờ chăm chỉ, tích cực học hỏi kinh nghiệm và áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình vườn ao chuồng của anh Giang luôn đạt năng suất với hiệu quả kinh tế cao; từ mô hình này nhiều hộ gia đình trong xã cũng đã học hỏi và thực hiện theo đều đạt hiệu quả. Ngoài việc sản xuất giỏi anh Giang luôn là người đi đầu trong các phong trào của địa phương.

Những năm qua, huyện và xã luôn tạo mọi điều kiện để anh Giang phát triển mô hình VAC như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tạo diện tích mặt bằng, hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi…. Đây là một trong những mô hình dân vận khéo tiêu biểu của xã cũng như của huyện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Thời gian tới xã tiếp tục khuyến khích anh Giang phát huy hiệu quả mô hình, quan tâm, hướng dẫn bà con trong xã phát triển kinh tế chăn nuôi hộ gia đình, nâng cao thu nhập cho người dân.

Với những kết quả đáng ghi nhận trên, anh Trần Mạnh Giang là một trong 5 cá nhân tiêu biểu được huyện Văn Yên khen thưởng trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2009-2019.

Đinh Thùy

Có thể bạn quan tâm