Hệ lụy từ phát triển nóng cây hồ tiêu (Bài 2)

Hệ lụy từ phát triển nóng cây hồ tiêu (Bài 2)
Bài 2: Hướng tới tiêu chuẩn chất lượng

Tại một trong những “thủ phủ” của hồ tiêu, trong khi rất nhiều hộ dân trồng tiêu đang khốn khổ vì giá tiêu xuống thấp, nợ nần bủa vây, vẫn có những nông hộ thu nhập khá và họ xác định sẽ gắn bó dài lâu với cây trồng tỷ đô một thời này. Điều đó cho thấy, sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng đúng yêu cầu, gắn kết chuỗi giá trị, tạo dựng được thương hiệu, hồ tiêu Việt Nam vẫn đứng vững trên thị trường.

Đến tham quan Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang Tiêu Lệ Chí (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) chúng tôi vẫn bắt gặp những nụ cười, sự sung túc của “ông chủ” cũng như các thành viên trong hợp tác xã này. Ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã cho biết, năm 2019, trong khi giá hồ tiêu xuống dưới giá thành, chỉ xung quanh mức từ 40.000 - 45.000 đồng/kg thì hồ tiêu hữu cơ của hợp tác xã vẫn bán được mức giá trên 100.000 đồng/kg.

Giá tiêu hữu cơ bán được cao hơn từ 150 - 200% so với hồ tiêu thông thường. Không chỉ giá cao, các sản phẩm tiêu của hợp tác xã còn không có chuyện tồn kho. Niên vụ 2018 - 2019, chỉ riêng gia đình ông Nguyễn Tấn Công với 5 ha trồng hồ tiêu cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Hợp tác xã có 80 thành viên, trồng tổng diện tích hồ tiêu là 100 ha; trong đó, có 16 ha hồ tiêu có chứng nhận hữu cơ. Các thành viên của hợp tác xã đều có lợi nhuận khá từ sản xuất tiêu chất lượng, có chứng nhận.

Hiện nay, các sản phẩm hồ tiêu của hợp tác xã đều được đầu tư trong canh tác để có được chứng nhận chất lượng, đặc biệt là chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu. Đầu ra của hợp tác xã chủ yếu là doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ chính là nội địa nhưng khá tốt. Hợp tác xã cũng có một số đối tác cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, hợp tác xã không tham vọng xuất khẩu nhiều chỉ làm hàng số lượng vừa phải nhưng chất lượng tốt, bán được giá cao và xây dựng thương hiệu tại thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản… "Hợp tác xã cũng không yêu cầu tất cả xã viên sản xuất hữu cơ, mà quan trọng là các hộ dân sản xuất theo hướng đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đó mới là hướng phát triển vững bền cho ngành hàng này.", ông Nguyễn Tấn Công cho hay.

Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai cũng cho rằng, nông dân phải đổi sang hướng phát triển sản xuất hữu cơ và chỉ có biện pháp canh tác hữu cơ là bền vững. Sở đã có nhiều mô hình trình diễn thí điểm để cho nông dân học tập, triển khai đối với cây tiêu, cà phê…
Khởi công Trung tâm Chế biến Rau quả của DOVECO tại Gia Lai. Ảnh: baogialai.com.vn
Khởi công Trung tâm Chế biến Rau quả của DOVECO tại Gia Lai. Ảnh: baogialai.com.vn

Bên cạnh đó, với những diện tích không thích hợp cho trồng cây tiêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai cũng định hướng người dân nên chuyển đổi sang các cây trồng khác như cây ăn quả. Hiện nay, tỉnh đang có Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai, sản phẩm chanh dây đang được nhà máy thu mua tốt, cây cho năng suất ổn định. Nông dân trồng chanh leo lấy lại vốn nhanh, đầu tư đơn giản, chỉ 6 tháng có quả và thu hoạch trong 3 năm. Ngoài ra, tỉnh quy hoạch thêm 2 sản phẩm chủ lực: chuối, dứa. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục quy hoạch các đối tượng cây ăn quả khác.

Về hướng đi vững bền cho ngành hồ tiêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, quan trọng là cần khắc phục vấn đề diện tích trồng hồ tiêu ở nhiều vùng tăng nhanh, đặc biệt là ở các vùng không phù hợp, thâm canh quá cao trong giai đoạn giá tốt; sản xuất hồ tiêu theo hướng GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu hồ tiêu…

Về các chính sách cho phát triển ngành nông nghiệp nói chung và hồ tiêu nói riêng, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), Ủy viên Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng, Nhà nước đã có khá nhiều chính sách như Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ…

Nhưng chính sách vẫn chỉ là trên giấy, chưa đi vào cuộc sống, đối tượng được hưởng lợi từ chính sách chưa được nhiều. Điển hình như chính sách hỗ trợ chứng nhận lần đầu cho sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam. Hồ tiêu đạt chứng nhận Việt Nam xong cũng không biết bán cho ai và như vậy chứng nhận không có giá trị. Bán sản phẩm cho nước nào thì phải có tiêu chuẩn của nước đó, ông Hoàng Phước Bính cho hay.

Bên cạnh đó, hồ tiêu của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu. Tuy nhiên, 80% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu là nguyên liệu, rất ít sản phẩm trên thế giới có thương hiệu Việt Nam. Hiện nay, nhờ thị trường có yêu cầu về xuất xứ nguyên liệu mới có thông tin hồ tiêu được sản xuất từ Việt Nam. Ngoài ra, Nhà nước hiện nay chưa làm tốt khâu dự báo về thị trường.

Ông Hoàng Phước Bính cho rằng, tiêu là cây khó trồng nhất nên không khuyến khích người nông dân có trình độ thấp đầu tư. Nhưng khó khăn hiện nay là làm sao nâng cao được nhận thức, kỹ năng của người nông dân. Thời gian qua đã có hàng loạt trường dạy nghề cho nông dân, tuy nhiên hiệu quả mang lại không cao. Để khắc phục vấn đề này, Nhà nước có chế tài mạnh tay buộc người dân phải đi học. Chẳng hạn, trong các chính sách cho vay vốn đầu tư, nếu người dân không đi học, không có chứng chỉ đào tạo ngành nghề thì không cho vay vốn.

Trước những hàng rào kỹ thuật ngày càng cao tại các nước nhập khẩu, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, các doanh nghiệp, hộ sản xuất, các nhà quản lý không được chủ quan và phải không ngừng đổi mới nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển vùng sản xuất tuân thủ các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt và theo tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ các hộ sản xuất để phát triển các đồn điền tiêu hữu cơ; thúc đẩy xây dựng hệ thống thông tin, dự báo và phát triển thị trường đặc biệt là thị trường nước ngoài để tận dụng các cơ hội xâm nhập và mở rộng; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại hồ tiêu sang các thị trường có tiềm năng như Mexico, duy trì và phát triển vị thế của tiêu Việt Nam trên các thị trường thuộc khối EU.

Các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh liên kết liên doanh với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng theo tiêu chí của mình; chủ động nghiên cứu nhu cầu thị trường và xu hướng tiêu dùng, đặc biệt tại thị trường EU... Địa phương cần xây dựng mô hình liên kết có cấp chứng nhận, mã số vùng trồng tại một số vùng trồng hồ tiêu lớn đáp ứng nhu cầu một số thị trường yêu cầu cao về chất lượng và có thể truy xuất nguồn gốc, kiểm soát qua thông tin chỉ dẫn xuất xứ.

Trước thực tại của ngành hàng hồ tiêu, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, những diện tích hồ tiêu bị bệnh thì không trồng lại mà chuyển đổi sang cây trồng khác. Đặc biệt, các tỉnh cần khuyến khích, hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, bảo vệ, bảo quản hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường các nước nhập khẩu hồ tiêu.

Các địa phương cần khuyến khích đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ tiêu trắng xuất khẩu đạt tỷ trọng 20% vào năm 2020 và 50% vào năm 2030; đa dạng hóa các sản phẩm hồ tiêu như tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu có giá trị gia tăng cao; nghiên cứu các sản phẩm thực phẩm và phi thực phẩm có thành phần của hồ tiêu.
Bích Hồng
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm