Đồng Tháp chuyển nhiều diện tích lúa sang cây trồng khác cho giá trị cao

Đồng Tháp chuyển nhiều diện tích lúa sang cây trồng khác cho giá trị cao
Chuyển đất lúa sang trồng sen của bà con xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí – TTXVN
 Chuyển đất lúa sang trồng sen của bà con xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí – TTXVN
Ở tỉnh Đồng Tháp, chuyển đổi đất lúa sang trồng sen gần 1.000 ha, trồng nhiều nhất là ở các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông và Thanh Bình... Trồng sen lấy ngó cho năng suất từ 8-10 tấn/ha, giá ngó sen từ 15-20.000  đồng/kg. bình quân mỗi ha trồng sen lãi từ 50-100 triệu đồng, lãi gấp 3-4 lần trồng lúa. Điển hình như anh Nguyễn Thành Dũng ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, mạnh dạn không xuống giống vụ lúa Hè Thu năm 2019 và thay thế vào việc trồng sen. Anh cho biết, nếu làm lúa, lãi chưa được 10 triệu đồng/ha, thậm chí lỗ khi vào mùa mưa, lúa ngã, giảm năng suất, với tính toán trồng cây nào hiệu quả nhất là anh thực hiện. Anh đã chọn cây sen để trồng và hiện nay anh đã thành công việc trồng sen, cây sen đang cho thu hoạch, dự tính trồng sen anh bảo đảm ăn chắc lãi hơn 50 triệu đồng /ha, lãi gấp 3- 4 lần trồng lúa.
Trồng ớt trên đất lúa của bà con xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh ( Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí – TTXVN
 Trồng ớt trên đất lúa của bà con xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh ( Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí – TTXVN
Huyện Tháp Mười là 1 trong 12 huyện, thị, thành của tỉnh Đồng Tháp có diện tích trồng sen nhiều nhất tỉnh với diện tích gần 200 ha, sản lượng cho 150 tấn/năm. Mỗi ha trồng sen lãi từ 50-100 triệu đồng, gấp 3-4 lần trồng lúa, được huyện chọn là ngành hàng trong tái cơ cấu nông nghiệp. Sản xuất vụ Hè Thu năm 2019, nông dân tỉnh Đồng Tháp đã trồng hơn 1.000 ha vừng trên đất lúa né hạn lãi gấp 2-3 lần trồng lúa. Mỗi ha vừng lãi hơn 50 triệu đồng, và cây này được trồng nhiều nhất là ở các huyện Cao Lãnh, Lai Vung, Hồng Ngự và Tân Hồng. Việc luân canh cây vừng trên đất lúa vừa né hạn, giúp hạn chế việc sử dụng nước và đồng thời cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần trồng lúa. Bình quân cây vừng cho năng suất hơn 2 tấn/ha.
Khu ruộng trồng lúa kém hiệu quả nay đã được chuyển đổi sang trồng xoài và mít của các hộ nông dân xã tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí – TTXVN
Khu ruộng trồng lúa kém hiệu quả nay đã được chuyển đổi sang trồng xoài và mít của các hộ nông dân xã tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí – TTXVN
Ông Lê Hồng Hòa, Chủ nhiệm Hội quán Tân Tạo (xã Bình Phú, huyện Tân Hồng) cho biết, sau khi sản xuất lúa Đông Xuân xong là ông quyết định chuyển hết 3 ha đất lúa sang trồng vừng vụ Hè Thu và lợi nhuận từ cây vừng cao hơn gấp nhiều lần so với lúa. Chỉ cần năng suất vừng đạt 1,5 tấn/ha trở lên đảm bảo có lãi hơn 50 triệu đồng/ha. Hiện nay ở Đồng Tháp, chuyển đổi trồng gần 1.000 ha ngô cho năng suất từ 8-12 tấn/ha , lợi nhuận cao hơn trồng lúa từ 7-10 triệu đồng/ha. Việc chuyển đổi nhằm phát triển diện tích cây ngô, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung thành các vùng sản xuất qui mô lớn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh; tạo nguồn nguyên liệu cung cấp cho chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và thủy sản.
Chuyển đổi đất ruộng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái của bà con xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh ( Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí – TTXVN
Chuyển đổi đất ruộng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái của bà con xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh ( Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí – TTXVN
Chuyển đổi trồng cây lâu năm, hiện nay được nhiều hộ nông dân trong tỉnh Đồng Tháp chuyển đổi diện tích sản xuất lúa không hiệu quả chuyển sang trồng mít Thái, trong năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019 diện tích sản xuất lúa chuyển lên trồng mít Thái hơn 500 ha, trồng mít Thái nhiếu nhất là Tháp Mười, Thanh Bình, Cao Lãnh và Tam Nông. Đầu tư 1 ha trồng mít Thái với số tiền 150 triệu đồng, sau hơn 1 năm là cho thu hoạch. Hiện nay trồng mít Thái lãi hơn 500 triệu đồng/ha. Việc chuyển đổi cây trồng ở Đồng Tháp luân canh trên nền đất lúa góp phần cải tạo đất, phá thế độc canh, cắt đứt dòng đời sâu bệnh trên lúa. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp khuyến khích nông dân chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả hơn, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xoá bỏ việc độc canh cây lúa góp phần quan trọng trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đăng ký diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2018-2020 trên 77.000 ha; trong đó, cây hàng năm hơn 67.000 ha.
Nguyễn Văn Trí

Có thể bạn quan tâm