Đồng Tháp chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng mít Thái

Đồng Tháp chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng mít Thái
Nông dân xã Mỹ An, huyện Tháp Mười chuyển 100 ha sản suất lúa kém hiệu quả sang trồng mít thái. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN
Nông dân xã Mỹ An, huyện Tháp Mười chuyển 100 ha sản suất lúa kém hiệu quả sang trồng mít thái. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Công, nông dân ở xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cho biết, với 2.000 m2 đất gò cao trồng lúa kém hiệu quả, gia đình ông đã được chuyển đổi sang trồng mít hơn 3 năm qua. Nhờ có cây mít đem lại giá trị kinh tế nên đời sống gia đình ông đã bớt khó khăn. Nếu so hiệu quả, trồng 3 cây mít sẽ cho thu nhập bằng 1 công lúa (1.000m2 đất trồng lúa). So với những cây ăn trái khác, cây mít Thái có thể trồng dày, trung bình trồng 1.000 cây/ha. Năng suất mít Thái từ 40 - 50 tấn/ha/năm. Nếu chỉ bán với giá thấp nhất là 10.000 đồng/kg, có thể lãi hơn 500 triệu đồng/năm.

Anh Nguyễn Văn Hải ở xã Phú Điền, huyện Tháp Mười đã mạnh dạn chuyển đổi 1 ha đất trồng lúa sang trồng mít Thái. Anh cho biết, trung bình mỗi tháng, mít Thái cho thu hoạch từ 3 đến 4 đợt trái với số lượng từ 500 kg đến 700 kg/ha. Tính ra 1 năm anh thu lãi hơn 600 triệu đồng, với giá mít hiện nay anh bán tại vườn từ 17.000-20.000 đồng/kg.

Ở Đồng Tháp việc cải tạo đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mít rất đơn giản. Chỉ cần đào ao lên líp là trồng được mít và hiện nay trồng mít nhiều nhất là giống mít Thái siêu sớm. Sở dĩ nhiều hộ dân chọn giống cây này bởi thị trường ưa chuộng, đầu ra thuận lợi và giá trị kinh tế cao. Hơn nữa, cây mít Thái thích nghi với thổ nhưỡng đất đai ở Đồng Tháp, dễ trồng, năng suất và sản lượng cao, mít dòn, ngọt, thơm ngon, cho nhiều múi, ít xơ.

Bình quân mỗi cây mít Thái cho ra từ 2-3 quả mỗi mùa vụ, mỗi quả nặng từ 4-9 kg. Mít Thái ở Đồng Tháp không chỉ bán mít tươi mà còn có cơ sở sấy đóng gói tiêu thụ trong nước và nước ngoài.

Mặc dù vậy, theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, phần lớn mít Thái được xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch, qua thị trường Trung Quốc. Vì vậy, tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo nông dân nên nắm rõ được thị trường và tìm đầu ra ổn định trước khi mở rộng diện tích trồng mít để tránh tình trạng cung vượt cầu.
Nguyễn Văn Trí

Có thể bạn quan tâm