Đắk Nông triển khai các biện pháp phòng chống bệnh trên cây hồ tiêu

Đắk Nông triển khai các biện pháp phòng chống bệnh trên cây hồ tiêu
Hàng nghìn héc ta hồ tiêu tại huyện Đắk Song – thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông đang bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Ảnh : Phan Anh Dũng
Hàng nghìn héc ta hồ tiêu tại huyện Đắk Song – thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông đang bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Ảnh : Phan Anh Dũng
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, đến ngày 18/10 vừa qua,  tổng diện tích hồ tiêu nhiễm bệnh trên toàn tỉnh là hơn 2.216 ha, chủ yếu là bệnh chết nhanh và chết chậm do nấm và tuyến trùng hại rễ gây ra và diện tích tiêu bị chết hoàn toàn khoảng 429 ha. Diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh và chết tập trung chủ yếu ở huyện Đắk Song, chiếm 77,5% diện tích tiêu nhiễm bệnh và 48,7% diện tích tiêu chết.  Tiếp đến là huyện Tuy Đức, Đắk G’long, thị xã Gia Nghĩa, Đắk R’lấp… Dự báo, thời gian tới do thời tiết chuyển dần sang mùa khô, diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh nặng và chết sẽ tiếp tục tăng lên, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông cho biết, nguyên nhân của tình trạng tiêu nhiễm bệnh và chết hàng loạt một phần do thời tiết trong năm nay mưa nhiều, độ ẩm đất và không khí cao là điều kiện để nguồn bệnh (nấm và tuyến trùng) phát triển, lây lan. Bên cạnh đó, những năm trước giá hồ tiêu ở mức cao nên người dân bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp đã tự ý mở rộng diện tích ồ ạt ở một số vùng người dân trồng hồ tiêu không phù hợp chân đất, trũng thấp. Tiêu trồng lại trên đất trên đất nhiễm bệnh mà không xử lý kỹ. Người dân dựng trụ cũ để trồng, sử dụng nguồn giống không rõ nguồn gốc, hoặc lấy giống trên những vườn tiêu không đảm bảo chất lượng về sạch bệnh đã làm cho bệnh lây lan trên diện rộng. Việc người dân chưa đầu tư trồng, chăm sóc và trừ dịch hại theo quy trình phát triển hồ tiêu bền vững là nguyên nhân dẫn đến bệnh trên cây tiêu phát triển, gây hại trên diện rộng và nhiều diện tích đã bị chết. Nhiều hộ trong quá trình chăm sóc cây hồ tiêu đã lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để cây phát triển nhanh, sớm cho ra trái và tăng năng suất bất thường đã làm cho kháng thể của cây yếu, dễ mẫn cảm với dịch hại, thời tiết dẫn đến nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Gia Nghĩa, các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện Quy trình quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu do Cục Bảo vệ thực vật ban hành. Các địa phương cử cán bộ phối hợp địa phương theo dõi, thống kê đánh giá tình hình bệnh hại để hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả tốt nhất. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã Gia Nghĩa tập trung tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn nông dân chăm sóc phòng trừ dịch hại trên cây hồ tiêu. Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý tiêu hủy những diện tích bị nhiễm nặng, chết không còn khả năng phục hồi để tránh lây lan diện rộng. Mặt khác, tuyệt đối không phát triển trồng mới, trồng lại trên những vùng đất đã bị nhiễm bệnh hoặc vùng đất không phù hợp với cây tiêu. Ngoài ra, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng không phù hợp với chân đất sang các loại cây trồng khác thích hợp với điều kiện của địa phương nhằm nâng cao giá trị cây tiêu. Cùng với đó, Sở cũng kiến nghị các Sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã Gia Nghĩa nghiên cứu, đề xuất mức hỗ trợ những diện tích trồng tiêu bị chết của những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có công với cách mạng phù hợp với thực tế. Từ đó, xem xét hỗ trợ người dân đã vay vốn trồng tiêu bằng các hình thức khoanh nợ, gia hạn thời gian trả nợ hoặc tiếp tục cho vay để tái  đầu tư đối với những hộ có diện tích tiêu đã bị chết. Theo ông Lê Trọng Yên, về giải pháp lâu dài để phát triển hồ tiêu bền vững theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị, tỉnh Đắk Nông đang tích cực triển khai thực hiện các Đề án quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trước mắt, Sở sẽ tiến hành khoanh vùng các vùng trồng hồ tiêu và triển khai các mô hình sản xuất hồ tiêu theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các quy trình sản xuất hồ tiêu bền vững, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)... để làm mô hình trình diễn, từ đó phát triển nhân rộng. Theo thống kê sơ bộ, diện tích hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông hiện nay khoảng 35.000 ha, vượt gấp 3,5 lần so với quy hoạch cây hồ tiêu đến năm 2020; trong đó diện tích đã cho thu hoạch khoảng 16.300 ha.
Anh Dũng

Có thể bạn quan tâm