Chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo

Chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo
Thu hoạch thanh long ở huyện Chợ Gạo. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
 Thu hoạch thanh long ở huyện Chợ Gạo. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Nhằm nâng chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa vùng chuyên canh thanh long Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đang tập trung hỗ trợ địa phương chuyển giao những kỹ thuật canh tác tiên tiến như: ứng dụng công nghệ cao trong thâm canh thanh long, quản lý dịch bệnh, thâm canh theo hướng GAP cho ra những sản phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc, sử dụng đèn compact tiết kiệm điện trong xử lý ra hoa rải vụ, nhân rộng các mô hình tưới phun tự động... Theo ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo, hàng năm, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Khuyến nông và các ngành hữu quan, địa phương mở các lớp tập huấn, hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật thâm canh thu hút hàng nghìn lượt nông dân trồng thanh long, xây dựng hàng chục mô hình trình diễn kỹ thuật về quản lý dịch hại trên thanh long, nhân rộng những kỹ thuật canh tác mới trong quá trình thâm canh thanh long để đạt hiệu quả kinh tế cao và chất lượng sản phẩm được nâng lên,… Bên cạnh đó, địa phương cũng đã thành lập được 4 hợp tác xã sản xuất kinh doanh thanh long tại các xã trọng điểm: Mỹ Tịnh An, Trung Hòa, Tân Thuận Bình, Tân Bình Thạnh là những hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong liên kết tiêu thụ nông sản hàng hóa chủ lực. Nông dân Lê Văn Thủy, cư ngụ tại xã Mỹ Tịnh An là thành viên tích cực của HTX thanh long Mỹ Tịnh An cho biết, tham gia HTX nông dân hưởng nhiều lợi ích như: được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tư vấn kỹ thuật, ứng trước vật tư nông nghiệp trả chậm, hỗ trợ kinh phí chứng nhận VietGAP... Với khoảng 1,1 ha chuyên canh thanh long, mỗi năm trừ chi phí ông còn lãi trên 500 triệu đồng. Nhờ mô hình liên kết trong sản xuất thanh long mà gia đình ông nhiều năm nay trở thành tỷ phú nông thôn. Đến nay, toàn vùng đã có 723 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chí VietGAP; 12 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao như: trồng thanh long leo giàn, tưới tiết kiệm nước, 25% tổng diện tích thanh long áp dụng mô hình tưới phun tự động, gần 100% diện tích áp dụng kỹ thuật xông đèn để thu hoạch theo ý muốn… góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn cung nông sản hàng hóa dồi dào với chất lượng cạnh tranh tốt. Huyện Chợ Gạo đang phấn đấu trong năm 2019, mở rộng diện tích vùng chuyên canh thanh long lên 6.500 ha; trong đó, có thêm 500 ha được công nhận đạt tiêu chí VietGAP, nâng diện tích đạt VietGAP lên 1.223 ha.
Minh Trí

Có thể bạn quan tâm