Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cho hiệu quả kinh tế cao ở Tiền Giang

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cho hiệu quả kinh tế cao ở Tiền Giang
Trồng bưởi da xanh VietGAP ở ven thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí-TTXVN
Trồng bưởi da xanh VietGAP ở ven thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Ảnh: Minh Trí-TTXVN
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi sản xuất trên diện tích gần 57.000 ha; trong đóm, mở rộng diện tích rau luân canh trên nền đất lúa lên trên 50.000 ha, đưa cây màu xuống chân ruộng theo mô hình chuyên canh hàng ngàn ha, diện tích còn lại chuyển sang các cây trồng khác… Diện tích chuyển đổi tập trung ở những địa bàn gặp khó khăn về nguồn nước bơm tưới, thường xuyên bị xâm nhập mặn hoặc hạn hán đe dọa hàng năm như: vùng ngọt hóa Gò Công, ven biển Tiền Giang, các cù lao nhiễm mặn trên sông Tiền, khu vực vùng ngập lũ đầu nguồn và Đồng Tháp Mười... Qua khảo sát của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, diện tích chuyển đổi sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho lợi nhuận bình quân từ 71 triệu đến gần 300 triệu đồng/ ha tùy theo từng loại cây trồng. Riêng luân canh rau màu trên nền đất lúa mang lại lợi nhuận cao gấp 3,7 đến 5,8 lần so với trồng lúa độc canh. Ông Bùi Văn Tiếp, cư ngụ tại ấp 3, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy canh tác 2,7 ha đất trồng lúa. Thấy được lợi ích thiết thực của việc đưa cây màu xuống chân ruộng, ông đã chuyển đổi từ độc canh cây lúa 3 vụ/ năm sang trồng hai vụ lúa kết hợp 1 vụ dưa hấu/ năm. Tùy theo năm, ông chọn trồng dưa hấu vụ Đông Xuân kết hợp trồng lúa Xuân Hè và Hè Thu hoặc trồng lúa Đông Xuân kết hợp với 1 vụ dưa hấu Xuân Hè và 1 vụ lúa Hè Thu. Với cách làm như thế, sau khi trừ chi phí gia đình ông Bùi Văn Tiếp còn thu lãi ròng gần 300 triệu đồng mỗi năm. Đối với huyện cù lao nhiễm mặn Tân Phú Đông, nhiều năm nay, nông dân áp dụng rộng rãi mô hình đưa cây sả xuống trồng trên chân ruộng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Lê Văn Trúc, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông đã đưa cây sả xuống trồng trên 4 ha đất lúa. Theo ông Trúc, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu được 60 tấn sả, bán trừ chi phí còn lãi ròng trên 300 triệu đồng. Nhờ đưa cây sả xuống chân ruộng, ông đã có thu nhập cao, cuộc sống ổn định trên vùng đất nhiễm mặn đầy khó khăn trước đây. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải cho biết, hiện nay, cây sả đang trở thành cây phát triển kinh tế nông nghiệp mũi nhọn của địa phương, giúp nhiều nông hộ vượt khó, thoát nghèo và làm giàu nông thôn. Huyện đã hình thành được vùng trồng sả chuyên canh với gần 1.500 ha, lớn nhất tỉnh Tiền Giang, mỗi năm đạt sản lượng trên 20.000 tấn sản phẩm. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang thì ngoài hiệu quả kinh tế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn giúp đa dạng hóa sản phẩm, tạo nguồn nông sản hàng hóa dồi dào và đa dạng cung ứng cho thị trường. Chưa kể còn giúp cải thiện nguồn dinh dưỡng trong đất, nâng cao độ phì nhiêu, giảm ô nhiễm môi trường sống, tiết kiệm được nguổn nước tưới trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.
Minh Trí

Có thể bạn quan tâm