Chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Bình Thuận phát huy hiệu quả

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Bình Thuận phát huy hiệu quả
Thanh long xuất khẩu Mỹ phải theo quy trình khép kín. Ảnh :Phạm Hồng Nhung - TTXVN
Thanh long xuất khẩu  Mỹ phải theo quy trình khép kín.
Ảnh :Phạm Hồng Nhung - TTXVN
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, để phát huy hiệu quả sử dụng đất và tăng cường tiết kiệm nguồn nước tưới, trong năm 2018, toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 3.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả hơn đã tạo một số hiệu ứng tích cực trong sản xuất nông nghiệp, nhất là tạo hướng đi mới trên đất canh tác lúa nước từ quảng canh, thu nhập thấp sang luân canh có thu nhập cao, tiết kiệm nước tưới. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và xã hội hóa giống lúa được triển khai tích cực. Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh năm 2018 đạt trên 830.000 tấn, tăng 10% so với năm 2013. Một trong những địa phương triển khai hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng là huyện Tuy Phong. Nếu như trước đây Tuy Phong được biết đến là nơi đất đai khô cằn với khí hậu khắc nghiệt, lượng mưa thấp nhất cả nước… thì nay với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, những vùng đất hoang hóa được thay bằng màu xanh cây trái. Người dân đã đem rất nhiều giống cây về thử nghiệm; trong đó nhiều loại cây đặc sản mang lại hiệu quả trên vùng đất này như: thanh long, nho, xoài, dừa… Vùng đất Tuy Phong đang nổi lên như một điểm nhấn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Ông Huỳnh Văn Điển, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong, cho biết: Để tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong đã thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm trồng trọt… Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với vùng đất khô hạn của huyện, nhằm mang lại hiệu quả trồng trọt cho người nông dân. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phong, nhờ chủ trương đúng đắn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó kinh tế trang trại trên địa bàn huyện đang phát triển khá mạnh, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường bằng sản phẩm chất lượng. Hiện toàn huyện có 14 trang trại đạt tiêu chí được cấp giấy chứng nhận. Phần lớn các trang trại được đầu tư bài bản, quy mô, mang tính bền vững cao, khẳng định là mô hình sản xuất hàng hóa tập trung và hiệu quả, tăng thu nhập, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động, khai thác và sử dụng có hiệu quả trong diện tích hơn 70.000 ha đất nông nghiệp. Các trang trại cho thu nhập trung bình từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. Ngoài việc đẩy mạnh thâm canh các giống lúa xác nhận cho năng suất cao, các hộ dân ở các xã Phước Thể, Phong Phú, Phú Lạc (huyện Tuy Phong) còn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đất hoa màu, đất lúa 1 vụ bấp bênh sang trồng nho, thanh long... Đồng thời, chính quyền các xã đã tuyên truyền, khuyến khích bà con dân tộc thiểu số thực hiện các mô hình chăn nuôi bò, dê sinh sản và trồng các loại cây ăn quả. Điển hình như nông dân xã Vĩnh Hảo, xã Vĩnh Tân đã mạnh dạn đầu tư trồng 300 ha cây trôm lấy mủ, đạt lợi nhuận cao. Các loại cây ăn quả chất lượng cao đang phát triển mạnh ở xã Bình Thạnh, Phong Phú, với diện tích khoảng 80 ha, gồm xoài cát Hòa Lộc, xoài Thái Lan, cam sành... Giá bán các loại trái cây giống ngoại cao gấp đôi so với giống nội. Nghề sản xuất muối được duy trì, mở rộng trên 540 ha và đã thực hiện theo mô hình “Muối sạch trải bạt”, mang lại hiệu quả kinh tế cao… Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết: Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải gắn với ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chủ đạo và tất yếu để nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Tỉnh Bình Thuận đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020. Hiện tỉnh đang xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Thuận tại huyện Bắc Bình với diện tích 2.000 ha, dự kiến phát triển các loại cây trồng cạn có giá trị, thích nghi khô hạn như nhóm rau các loại, gia vị (hành, tỏi), cây dược liệu (lô hội, đinh lăng), cây lương thực và một số cây ăn trái nhiệt đới tưới ít nước… Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nhất là ứng dụng công nghệ cao thực sự trở thành yếu tố đột phá năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản và của ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, Bình Thuận triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trên các cây trồng, vật nuôi lợi thế của tỉnh. Đồng thời, ngành nông nghiệp tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông, đưa nhanh các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, chế biến; thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất nông nghiệp.
Nguyễn Thanh

Có thể bạn quan tâm