Cách nuôi vịt siêu trứng

Cách nuôi vịt siêu trứng
Mỗi ngày, đàn vịt của chị Hè ở Hưng Yên đẻ trên 1.500 quả trứng, trừ chi phí, bình quân cho thu nhập 35 - 40 triệu đồng/tháng.Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Mỗi ngày, đàn vịt của chị Hè ở Hưng Yên đẻ trên 1.500 quả trứng, trừ chi phí, bình quân cho thu nhập 35 - 40 triệu đồng/tháng.Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Chọn giống

Chọn những con vịt nhanh nhẹn, khỏe mạnh, không khô chân, vẹo mỏ, khèo chân, nặng bụng. Hiện, ở nước ta, một số giống vịt đẻ đang được nuôi phổ biến như: Vịt cỏ sản lượng trứng khoảng 200 - 225 quả/mái/năm, vịt Khaki Campbell 250 - 280 quả/mái/năm, giống vịt CV 2000 Layer là 285 - 300 quả/mái/năm.

Xây dựng chuồng, trại

Vị trí chuồng nuôi tốt nhất là gần bờ ao, thuận tiện cho vịt tắm, có nhiều cây cối. Chuồng trại phải đảm bảo thoáng mát mùa hè, ấm về mùa đông. Có rèm che xung quanh để khi mưa, chuồng nuôi luôn được khô ráo. Nền chuồng cao, bằng phẳng, thoát nước có thể bằng gạch hoặc xi măng. Mái chuồng lợp ngói, lá cọ…

Tiến hành vệ sinh khử trùng chuồng trại, sát trùng kỹ các dụng cụ máng ăn và máng uống cho vịt trước khi đưa vịt vào nuôi. Kiểm tra các trang thiết bị chăn nuôi để đảm bảo chúng không bị hư hỏng trong quá trình nuôi.

Phát quang cây cối xung quanh khu vực chăn nuôi để hạn chế sự tập trung chim hoang dã, vệ sinh cỏ, rác, khơi thông cống rãnh và rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi. Diệt chuột và các loại côn trùng khu vực xung quanh và chuồng nuôi.

Mật độ

Thông thường, chuồng nuôi có diện tích 18 - 20 m2, số lượng vịt nuôi khoảng 100 con.

Cho ăn

Tiêu chuẩn khẩu phần: Năng lượng trao đổi 2.900 kcal, nhu cầu dinh dưỡng trong thức ăn thay đổi theo từng giai đoạn. 1 - 21 ngày tuổi, nhu cầu protein của vịt con là 20%, 22 - 56 ngày tuổi, nhu cầu protein là 17%. Thức ăn sử dụng cho vịt là thức ăn công nghiệp hoặc có thể thay thế bằng bèo tấm, đậu xanh… Tuần thứ 19 trở đi cho vịt ăn thêm thóc, mồi tươi (tôm, cua, cá con, giun đất…). Giai đoạn vịt đẻ cho ăn thức ăn hỗn hợp dạng bột hay dạng viên. Có thể cho ăn thức ăn đậm đặc phối trộn phụ phẩm theo hướng dẫn. Lượng thức ăn 130 - 150 g/con/ngày. Trường hợp nuôi chăn thả, cho vịt ăn thêm vào buổi chiều.

Vịt là loại thủy cầm cần rất nhiều nước uống, cho vịt uống cả ngày lẫn đêm, định mức tăng dần 120 - 350 ml/con/ngày. Nước uống cho vịt phải đảm bảo trong và sạch.

Chăm sóc, quản lý

Nhiệt độ và độ ẩm chuồng là hai yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình nuôi. Ba ngày đầu tiên, đảm bảo nhiệt độ trong khoảng 30 - 32 độ C, từ ngày thứ 4 mỗi ngày giảm 1 độ C cho tới khi xuống 20 độ C. Ðộ ẩm thích hợp nhất cho vịt con là 60 - 70%, tuy nhiên, điều kiện khí hậu ở nước ta có độ ẩm khá cao (80 - 90%), có khi lên tới 100%. Ðiều này là nguyên nhân dễ gây cho vịt con bị nhiễm nhiều bệnh rất nguy hiểm. Khi độ ẩm cao cần hạ thấp mật độ vịt nuôi, hoặc cần đảo và cho thêm chất độn khô hàng ngày để giữ cho vịt được ấm chân và sạch lông, cần trang bị quạt thông gió, bóng đèn để có thể điều chỉnh khi cần thiết.

Trước khi thả vịt con vào chuồng, bật đèn, lò sưởi cho chuồng ấm. Dùng cót quây vịt vào 1 góc ấm và nới cót quây theo độ lớn của vịt. Thường xuyên quan sát trạng thái đàn vịt để có biện pháp kịp thời. Nếu vịt con phân tán đều khắp chuồng chứng tỏ đàn vịt khỏe mạnh, thoải mái, nhiệt độ trong chuồng đạt yêu cầu. Vịt con dồn đống là do lạnh, nhiệt độ chuồng nuôi thấp hoặc vịt con nằm há mỏ và cánh dơ lên là do nhiệt độ quá cao, cần điều chỉnh lại nhiệt độ phù hợp. Phát hiện vịt chết phải nhặt ngay khỏi chuồng, tách những con bị ốm nhốt riêng để có chế độ chăm sóc phù hợp.

Giai đoạn nuôi vịt hậu bị (9 - 12 tuần), nuôi chăn thả hàng ngày trên đồng, trưa cho vịt nghỉ nơi có bóng mát hoặc lều tạm ngoài đồng. Lưu ý đồng, bãi kém mồi phải cho vịt ăn thêm. Giai đoạn này, vịt nuôi thức ăn hạn chế, cả số lượng và chất lượng làm sao đạt trọng lượng ở mức yêu cầu giống để đảm bảo có năng suất đẻ trứng cao trong giai đoạn sinh sản. Khi vịt được 18 tuần tuổi chọn những con khỏe mạnh, ngoại hình đẹp, đầu thẳng, mông nở, chăn chắc, mắt sáng, nhanh nhẹn để làm vịt mái đẻ.

Phòng bệnh

Trong suốt thời gian nuôi, thực hiện nghiêm túc đầy đủ về công tác phòng trừ dịch bệnh. Phải có hàng rào bao quanh cơ sở chăn nuôi. Lối ra vào chuồng nuôi cần có hố hoặc khay đựng thuốc sát trùng như crezin 3%, formol 2% hoặc vôi bột để sát trùng phương tiện trước khi vào chuồng nuôi. Quản lý chặt chẽ ra vào chuồng nuôi, chỉ có người nuôi, cán bộ thú y mới được phép vào chuồng nuôi. Bất cứ ai vào chuồng nuôi, cần phải có ủng và mặc quần áo bảo hộ thú y. Trong chuồng nuôi chỉ nên có 2 đàn cách nhau 2 - 5 ngày tuổi.

Thực hiện đúng lịch tiêm phòng vaccine dịch tả cho đàn vịt: Sau 15 ngày tuổi, sau 45 ngày tuổi nên tiêm nhắc lại, sau đó cứ 6 tháng tiêm 1 lần. Từ 2 - 3 tháng nên dùng kháng sinh đề phòng các bệnh do vi khuẩn Salmonella gây ra, tụ huyết trùng và các bệnh khác tùy theo thời tiết và tình trạng sức khỏe đàn vịt.

Thu nhặt trứng

Trước khi vịt đẻ 2 tuần bố trí có ổ đẻ trong chuồng nuôi, chất độn ổ đẻ phải được thay thường xuyên hàng tuần. Vịt thường đẻ vào ban đêm, thu nhặt trứng vào lúc 6 - 7 giờ sáng để trứng không bị vịt làm bẩn hoặc bị vỡ.

Sau khi nhặt trứng tiến hành chọn loại trứng. Trứng xếp vào khay, để nơi cao ráo, thoáng mát sẽ làm cho trứng tươi lâu hơn.Trứng ấp phải được khử trùng ngay sau khi nhặt trứng bằng dung dịch khử trùng, phải chuyển vào lò trước 5 ngày kể từ sau khi vịt đẻ.
Theo nguoichannuoi.com

Có thể bạn quan tâm