Cách ngăn ngừa và phòng chống lây lan dịch tả lợn châu Phi

Cách ngăn ngừa và phòng chống lây lan dịch tả lợn châu Phi
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và đoàn công tác kiểm tra công tác phòng dịch tả lợn Châu Phi tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Trần Hoàng Ngọc – TTXVN
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và đoàn công tác kiểm tra công tác phòng dịch tả lợn Châu Phi tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Trần Hoàng Ngọc – TTXVN

Tiếp tục phát hiện thêm trường hợp gia súc mắc dịch tả lợn châu Phi

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiếp tục phát hiện thêm trường hợp gia súc mắc dịch tả lợn châu Phi tại Hải Dương. Theo đó, hộ nuôi có lợn bị dịch bệnh thuộc xóm Trại Mơ, xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn, Hải Dương. Sáng 2-3-2019, các cơ quan chuyên môn thú y Trung ương và địa phương hoàn thành việc chôn tiêu hủy 90 con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi, đồng thời tiến hành lấy mẫu, cho tiêu hủy lợn tại hai trại kế bên để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan và tổ chức tiêu độc, sát trùng, lập vành đai, chốt kiểm soát dịch bệnh theo đúng quy định.

Tính tới thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã xuất hiện tại 7 tỉnh, thành gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương.

Theo Cục Thú y, hiện phía Nam chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, với tình trạng lợn ở miền Bắc vận chuyển vào phía Nam khá nhiều do sự chênh lệch về giá khiến nguy cơ bệnh dịch lây lan là rất lớn.

Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn được phát hiện ở Kenya vào năm 1921. Năm 1928, bệnh lây lan mạnh xuống miền Nam châu Phi và giai đoạn 1923-1934 đã làm chết hơn 11.000 con lợn. Từ đây, bệnh được mang tên dịch tả lợn châu Phi. Năm 1957, lan sang các nước châu Âu và đến năm 1967, bệnh đã xuất hiện ở Cuba và một số nước khác ở Bắc Mỹ.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 26-2-2019, đã có trên 20 quốc gia báo cáo bị xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng, đã có hơn 1 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.

Cách ngăn ngừa và phòng chống lây lan dịch tả lợn châu Phi

Vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao với môi trường, sống lâu trong các điều kiện khác nhau. Hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin để phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi nên chưa thể thanh toán bệnh này một cách triệt để.

Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và 100% số lợn mắc bệnh bị chết. Triệu chứng bệnh thường gây nhầm lẫn với triệu chứng của một số bệnh thường gặp khác ở lợn nên người chăn nuôi có tâm lý chủ quan, khi phát hiện thường đã muộn. Vi rút dịch tả lợn châu Phi tuy không gây nguy hiểm đến sức khỏe con người nhưng nguy cơ lây lan cao và hậu quả về kinh tế đối với ngành chăn nuôi rất nghiêm trọng, nên người dân cần nhận biết một số dấu hiệu khi lợn mắc dịch bệnh này để có cách phòng ngừa và tránh để dịch bênh lây lan.

Một số dấu hiệu của lợn mắc dịch tả lợn châu Phi:

+ Lợn sốt cao, không đứng vững được
+ Lợn nôn, tiêu chảy, đôi khi chảy máu
+ Da xanh xao, xung quanh vùng mõm hoặc tai
+ Lợn khó thở, ho
+ Lợn xảy thai và ốm yếu dần

Phần lớn lợn sẽ chết trong khoảng 10 ngày sau khi mắc bệnh

Lợn nuôi sẽ bị lây bệnh từ:

+ Những con lợn khác đã nhiễm bệnh được vận chuyển hoặc ghép đàn
+ Ăn phải những đồ ăn, rác nhiễm vius hoặc rác thải nhà bếp
+ Vật liệu nhiễm bẩn/quần áo/giày dép

Nếu đàn lợn có những dấu hiệu trên hoặc nghi ngờ nhiễm vi rút dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi cần:

+ Liên hệ ngay với nhân viên y tế
+ Không vận chuyển đàn lợn nhiễm bệnh ra khỏi trang trại
+ Thay trang phục, giày trước khi ra khỏi chuồng
+ Thức ăn cho lợn phải được mua ở những nguồn uy tín, kiểm tra thông tin kỹ nguồn gốc để tránh lây nhiễm virus từ thức ăn.
+ Tránh để lợn nuôi tiếp xúc với lợn hoang dã hoặc đàn lợn khác
+ Tránh nuôi lợn ở chuồng ngoài trời trong những vùng bị nghi là ảnh hưởng
+ Không mang, vận chuyển các loại thịt lợn muối hay xông khói từ vùng khác đến, vì các loại thịt này vẫn tiềm ẩn virus bệnh
+ Không vứt xác lợn chết nghi nhiễm bệnh vào rừng/khu vực tự nhiên.
Phương Phương (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm