Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh nuôi chim cút sạch có hiệu quả kinh tế cao

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh nuôi chim cút sạch có hiệu quả kinh tế cao
Trang trại nuôi chim cút Nguyễn Ngọc tại ấp Phước Lăng, xã Tam Phước (Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
 Trang trại nuôi chim cút Nguyễn Ngọc tại ấp Phước Lăng, xã Tam Phước (Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh cho biết, mô hình nuôi chim cút sạch được bắt đầu từ năm 2017, sau lần tham quan mô hình nuôi chim cút sạch theo hướng công nghiệp của người anh trai tại Tiền Giang, bà Ngọc Anh quyết định đầu tư xây dựng trang trại nuôi chim cút tại xã Tam Phước, huyện Long Điền. Lúc đó, nhiều người cho rằng, quyết định đầu tư nuôi chim cút của bà Ngọc Anh rất mạo hiểm, bởi số vốn đầu tư ban đầu lên đến 3 tỷ đồng cho 2 chuồng, với 8 dãy trên diện tích rộng 2.000m2. Dù vậy, với mong muốn đem sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng, bà Ngọc Anh vẫn quyết tâm thực hiện. Đầu năm 2017, khu chuồng trại trị giá hơn 3 tỷ đồng được hoàn thiện. Vụ đầu, bà Ngọc Anh nhập khoảng 50.000 chim cút giống về nuôi. Nhờ được học hỏi kỹ thuật nuôi trước đó tại trại nuôi từ Tiền Giang nên bà đã thành công ngay từ lứa chim cút nuôi đầu tiên. Để đạt được tiêu chuẩn nuôi chim cút sạch, bà Ngọc Anh chia sẻ: "quan trọng nhất là nguồn nước và thức ăn phải đạt chuẩn. Vì vậy, tôi sử dụng thức ăn không có kháng sinh và chất tăng trọng, được mua từ một doanh nghiệp uy tín từ tỉnh Đồng Nai. Về nguồn nước, tôi sử dụng nước giếng khoan ở địa phương nhưng đã nhờ các đơn vị chuyên môn kiểm định chất lượng. Bên cạnh đó, chuồng nuôi được thiết kế để mát vào mùa hè, kín gió vào mùa đông giúp chim cút không mắc các loại bệnh nguy hiểm. Với hệ thống nước uống cho chim cút hoàn toàn tự động, phân chim không bị rơi xuống nền chuồng, nên chuồng trại lúc nào cũng thoáng, mát, sạch sẽ, không mùi hôi. Nhờ vậy, sản phẩm chim cút của trang trại đã được Viện Pasteur Nha Trang và Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Ba Rịa-Vũng Tàu công nhận là thực phẩm sạch”.
Thu hoạch trứng chim cút tại trang trại Nguyễn Ngọc, ấp Phước Lăng, xã Tam Phước (Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Thu hoạch trứng chim cút tại trang trại Nguyễn Ngọc, ấp Phước Lăng, xã Tam Phước (Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Bà Ngọc Anh cũng cho biết thêm, chim cút rất dễ bị bệnh, nhất là bệnh hô hấp và tiêu chảy. Chính vì vậy, người nuôi phải thường xuyên cho chim cút uống vacxin phòng bệnh. Vào mùa mưa chim cút non phải được uống vắcxin ngừa hô hấp, mùa nắng phải uống thêm viên C. Có như vậy, chim cút nuôi mới được khỏe mạnh, cho ra các sản phẩm tốt, an toàn. Hiện nay, sản phẩm thịt chim cút, trứng chim cút và chim cút giống được trang trại Nguyễn Ngọc cung cấp tại thị trường Bà Rịa-Vũng Tàu, với cung không đủ cầu. Theo bà Ngọc Anh, chim cút nuôi khoảng 45 ngày là đẻ trứng hoặc có thể xuất bán. Hiện mỗi tháng, trang trại của bà xuất bán ra thị trường hơn 5 tấn thịt chim cút, khoảng 1 triệu trứng với giá 45.000 đồng/kg thịt và 380 đồng/trứng. Ngoài ra, trang trại của bà còn cung cấp khoảng 10.000 con cút giống/tháng, với giá 5.000 đồng/con. Sau khi trừ chi phí, trang trại của gia đình bà Ngọc Anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng/tháng. Hiện nay, trang trại chim cút này đang tạo việc làm cho 7 lao động với thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng. Bà Ngọc Anh cho biết thêm, ngoài nhu cầu thịt và trứng cút thường, thị trường Bà Rịa-Vũng Tàu có sức mua trứng cút lộn rất lớn. Bên cạnh đó, để chủ động nguồn giống thay vì phải mua từ miền Tây, bà đã đầu tư mua 15 máy ấp trứng với công suất 10 ngàn trứng/ngày. Trứng cút được đưa vào máy ấp 10 ngày sẽ thành trứng cút lộn, với giá tăng gấp 3 lần, lên khoảng 800 đồng/quả. Theo bà Ngọc Anh, thời tiết ở Bà Rịa-Vũng Tàu rất phù hợp với nuôi chim cút vì khí hậu mát mẻ nhưng vẫn khô ráo. Do đó, sau gần 2 năm hoạt động hiệu quả, gia đình bà đang có ý định mở rộng sản xuất lên gấp đôi theo hướng công nghiệp bằng cách xây thêm chuồng lạnh, với quy mô nuôi khoảng 100.000 chim cút. Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, cán bộ nông nghiệp xã Tam Phước, huyện Long Điền nhận định, mô hình nuôi chim cút sạch của bà Nguyễn Thị Ngọc Anh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây có thể là hướng đi mới, giúp nông dân có cơ hội làm giàu tại địa phương nhưng không cần diện tích sản xuất đất quá lớn. Tuy nhiên, khi đầu tư nuôi chim cút, bà con cần chú trọng công tác phòng ngừa dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Hoàng Nhị

Có thể bạn quan tâm