Anh Nguyễn Mạnh Thắng nâng giá trị cây chè nhờ mô hình sản xuất sạch

Anh Nguyễn Mạnh Thắng nâng giá trị cây chè nhờ mô hình sản xuất sạch
Anh Nguyễn Mạnh Thắng kiểm tra chất lượng búp chè. Ảnh: Quang Cường – TTXVN
 Anh Nguyễn Mạnh Thắng kiểm tra chất lượng búp chè.
Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Đến xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang hỏi anh Nguyễn Mạnh Thắng, ai cũng biết. Anh là người đầu tiên của xã thành công trong việc sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và đang thực hiện chuyển đổi sản xuất chè theo quy trình hữu cơ.

Đưa chúng tôi đi thăm những nương chè xanh mướt, anh Thắng say sưa nói về yếu tố cần thiết trong sản xuất sạch và lợi ích của sản xuất sạch mang lại cho nông dân… Anh Thắng cho biết, từ khi chuyển đổi phương pháp canh tác truyền thống sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, giá trị cây chè đã được nâng lên từ 2-2,5 lần. Trước đây, 1 kg chè loại ngon nhất do anh sản xuất có giá 100.000 đồng. Khi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 1 kg chè giá từ 250.000 - 300.000 đồng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài ra, sản xuất theo quy trình VietGAP còn góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động.

Năm 2013, anh Thắng được Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp, nông dân và nông thôn (Dự án TNSP do Quỹ IFAD tại Việt Nam tài trợ) thông qua Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè Trung Long, anh trở thành tổ trưởng Tổ hợp tác. Cuối năm 2013, Dự án TNSP tiếp tục hỗ trợ Tổ hợp tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất chè theo hướng an toàn VietGAP, anh Thắng đã vận động các thành viên trong Tổ hợp tác chuyển đổi phương thức sản xuất chè theo hướng sạch, an toàn, với diện tích 6,5 ha. Sau hơn 1 năm triển khai quy trình chăm sóc chè an toàn, tháng 7/2014, Tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè Trung Long chính thức được cấp chứng nhận sản phẩm chè an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP.
 
Anh Nguyễn Mạnh Thắng (phải) chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống sâu bệnh trên cây chè trong sản xuất chè hữu cơ. Ảnh: Quang Cường – TTXVN
Anh Nguyễn Mạnh Thắng (phải) chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống sâu bệnh trên cây chè trong sản xuất chè hữu cơ. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Sau khi có thương hiệu, sản phẩm chè đặc sản Trung Long đã tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Thương hiệu "Chè xanh Trung Long" nhanh chóng được khách hàng khắp các tỉnh, thành trong cả nước biết tới. Nhờ vậy, giá bán sản phẩm chè tăng 2-3 lần so với trước kia, giúp nhiều thành viên trong tổ hợp tác thoát nghèo, trở thành hộ khá.

Gia đình anh Trần Văn Phi, thôn Trung Long, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương có gần 4000 mét vuông đất trồng chè. Trước đây, anh Phi trồng chè theo cách truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi tham gia Tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè Trung Long, canh tác chè theo hướng VietGAP, chất lượng, giá trị của cây chè được nâng lên, giúp gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định.

Anh Trần Văn Phi cho biết, sau 2 năm thực hiện sản xuất theo hướng VietGAP, gia đình anh đã thoát nghèo và trở thành hộ khá. Điều này có được là nhờ sự hỗ trợ tích cực của anh Nguyễn Mạnh Thắng.

Để mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, năm 2015, anh Nguyễn Mạnh Thắng quyết định thành lập Hợp tác xã chè Ngân Sơn Trung Long. Đến tháng 3/2017, sản phẩm chè xanh của Hợp tác xã chè Ngân Sơn Trung Long được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Chè xanh Trung Long”. Hiện nay, Hợp tác xã chè Ngân Sơn Trung Long có 20 ha chè, với 40 thành viên, 5,5 ha chè sản xuất theo quy trình VietGAP, 3 ha chè sản xuất theo quy trình hữu cơ, doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng mỗi năm. Hợp tác xã đã tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
 
Anh Nguyễn Mạnh Thắng với sản phẩm chè hữu cơ của HTX chè Ngân Sơn Trung Long. Ảnh: Quang Cường – TTXVN
Anh Nguyễn Mạnh Thắng với sản phẩm chè hữu cơ của HTX chè Ngân Sơn Trung Long. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, Hợp tác xã chè Ngân Sơn Trung Long đang liên kết với các doanh nghiệp, Hợp tác xã cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm chè cho thành viên và những hộ dân trồng chè tại địa phương. Hợp tác xã chè Ngân Sơn Trung Long đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ chuyển đổi toàn bộ diện tích chè hiện có sang sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc hữu cơ. Mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm chè sản xuất theo quy trình hữu cơ của Hợp tác xã sẽ được xuất khẩu đi nước ngoài, thị trường mũi nhọn hướng đến là các nước châu Âu…

Ông Nguyễn Ngọc Chinh, Chủ tịch UBND xã Trung Yên, huyện Sơn Dương cho biết, tại địa phương, anh Nguyễn Mạnh Thắng không chỉ là người sản xuất kinh doanh giỏi mà còn thường xuyên giúp đỡ hội viên nghèo vươn lên thông qua việc hỗ trợ cây giống, phân bón, tư vấn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm chè tươi... Ngoài ra, anh Thắng còn tích cực tham gia các chương trình, phong trào của địa phương như, làm đường bê tông, xây nhà văn hóa, ủng hộ quỹ khuyến học… Có thể nói, anh Nguyễn Mạnh Thắng là một trong những công dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Với những kết quả đạt được trong sản xuất, kinh doanh, anh Nguyễn Mạnh Thắng đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của tỉnh, huyện. Đặc biệt, anh Thắng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn trong số 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019”.
 
Quang Cường
TTXVN

Có thể bạn quan tâm