Kiều bào với Trường Sa : Bài 2 - Trường Sa không xa!

Kiều bào với Trường Sa : Bài 2 - Trường Sa không xa!

* Nỗi niềm Gạc Ma 

Cách đây 28 năm, vào ngày 14/3/1988, trên vùng biển đảo Gạc Ma đã diễn ra cuộc chiến đấu và sự hi sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vì sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc. Bất chấp công lý và lẽ phải, Trung Quốc đã ngang nhiên và bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm các đảo đá ngầm tại Trường Sa. Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, 64 chiến sĩ đã vĩnh viễn yên nghỉ giữa lòng biển quê hương. 

Đoàn kiều bào tặng quà người dân sinh sống trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Hứa Chung – TTXVN
 Đoàn kiều bào tặng quà người dân sinh sống trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Hứa Chung – TTXVN


Trong ráng chiều đỏ thẫm giữa biển xanh tĩnh lặng, lời nhạc “Hồn sĩ tử” vang lên khiến cho lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ hi sinh ở quần đảo Trường Sa trở nên lắng đọng, thiêng liêng hơn bao giờ hết. 

“Các anh đã nằm lại nơi đây, hòa mình vào trong lòng biển đảo quê hương. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, các cấp, các ngành, đồng bào ở trong nước và kiều bào Việt Nam ở ngoài nước đã cố gắng làm hết sức mình. Song, biển thì rộng và sâu, mà sức người có hạn, hoàn cảnh quốc tế vẫn bất lợi nên đến nay hình hài nhiều đồng chí vẫn đang nằm lại nơi biển sâu lạnh lẽo, đang hàng ngày, hàng giờ mòn mỏi trong thời gian, quặn đau trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bão tố...” nhiều người đã bật khóc khi Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Việt Nam đọc những dòng hồi tưởng trên. Sự xúc động bao trùm lên cả con tàu KN490. 

Chứng kiến buổi lễ xúc động, bà Bùi Thị Minh, Phó Chủ tịch Hội người Hải Phòng tại Cộng hòa Liên bang Đức không khỏi ngậm ngùi: Mỗi chúng tôi đều cảm thấy các chiến sĩ đang ở quanh đây. Chúng tôi hãnh diện vô cùng vì các anh đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ biển đảo quê hương. 

Còn với ông Thiều Văn Quang, Phó Chủ tịch Chi hội người Việt tại Trung tâm thương mại Sapa, Praha (Cộng hòa Séc) lần đầu tiên đi Trường Sa và cũng là lần đầu chứng kiến một lễ tưởng niệm đặc biệt đã mang lại cho ông sự xúc động mãnh liệt. “Đứng trước bàn thờ các anh, trước biển xanh là mộ phần các anh, nhìn thấy tấm lòng của bà con kiều bào trên khắp thế giới hướng về các anh, tôi tin rằng những người lính quả cảm ấy đã mãn nguyện. Gạc Ma sẽ mãi ở trong tim người dân Việt Nam, dù ở trong hay ngoài nước, luôn thôi thúc chúng ta rằng mọi thế hệ người Việt, dù ở bất cứ nơi đâu, cũng phải có trách nhiệm gìn giữ từng tấc đất biển đảo linh thiêng của Tổ quốc”, ông Quang cho biết. 


* Gần lắm Trường Sa 

Có ngang qua những ngày giông bão mới thấy sự bình yên đáng trân quý thế nào. Có lẽ điều này đúng với ông Phạm Đình Tuyên, một kiều bào Mỹ, nguyên là một người lính thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, từng có mặt trên chiến trường khốc liệt Quảng Bình - Quảng Trị những năm đầu 70 của thế kỷ trước. Khi lên các điểm đảo, gặp những chiến sĩ trẻ chỉ bằng tuổi con cháu mình nhưng ông vẫn cảm thấy như mình đang gặp lại đồng đội. Đặc biệt, khi nhìn thấy cuộc sống yên bình của những người dân trên đảo đã gây nhiều ấn tượng với ông. 

Đoàn kiều bào Hàn Quốc lắp đặt hệ thống phát điện bằng năng lượng mặt trời tại đảo Cô Lin. Ảnh: Hứa Chung – TTXVN
Đoàn kiều bào Hàn Quốc lắp đặt hệ thống phát điện bằng năng lượng mặt trời tại đảo Cô Lin. Ảnh: Hứa Chung – TTXVN


“Trước khi ra Trường Sa, tôi nghĩ những người dân nơi đây sẽ vất vả, khó khăn hơn những làng chài ven biển mà tôi từng đi qua, thế nhưng thực tế lại ngược lại. Cuộc sống của người dân mặc dù không được như trong đất liền nhưng cũng khá đầy đủ và bình yên”, ông Tuyên tâm sự. 

Ông Phan Bá Bính, kiều bào Áo rất xúc động khi nhìn thấy những chiến sĩ tuy còn trẻ nhưng đã đảm nhận nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó. "Những người lính trẻ được ở trong căn phòng sạch sẽ, có ti vi, nhà văn hóa để giải trí, thư giãn sau những giờ tập luyện. Điều này chứng tỏ Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đời sống của quân và dân trên đảo”, ông Bính nói. 

Trong suốt hành trình, khi đặt chân lên các đảo nổi, nhiều người rất ngạc nhiên, không thể tưởng tượng được rằng giữa nơi mênh mông sóng nước này lại có những cây cổ thụ dày đặc tạo thành một mảng màu xanh độc đáo giữa biển khơi. “Tôi không thể nghĩ rằng những nơi này như một thị trấn xinh đẹp trên đất liền, thậm chí trên đất liền cũng không có nhiều cây xanh như vậy. Màu xanh này không chỉ giúp thư giãn cho những ai một lần có dịp ghé thăm đảo nhỏ, mà còn giúp ích cho các chiến sĩ giải nhiệt sau những giờ tập luyện vất vả. Đây cũng là một điều rất trân quý, thể hiện rằng chúng ta rất yêu hòa bình. Màu xanh này đang nói lên khát vọng của mỗi người dân nước Việt nơi đây”, ông Thiều Văn Quang chia sẻ./. 

(Mời đọc tiếp Bài 3 - Những món quà nghĩa tình của kiều bào hướng về Trường Sa) 

Có thể bạn quan tâm