Kiện toàn hệ thống thú y từ trung ương đến địa phương

Chủ nhiệm Ủy ban hoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban hoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Ngày 25/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị đánh giá việc thực thi chính sách, pháp luật về thú y, tổ chức hoạt động của hệ thống cơ quan thú y các cấp.

Kiện toàn hệ thống thú y từ trung ương đến địa phương ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban hoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà cho biết, qua nghiên cứu báo cáo của các bộ, 26 địa phương, khảo sát thực tế tại 6 địa phương (gồm Long An, Đồng Tháp, Bình Phước, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang), Đoàn Giám sát của Ủy ban nhận thấy, việc thực thi chính sách, pháp luật về thú y đã có bước chuyển lớn trong nhận thức và hành động. Các khó khăn, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật về thú y chủ yếu ở khâu tổ chức thực hiện, trong đó tập trung vào 3 nhóm vấn đề. Cụ thể, nguồn lực tài chính cho công tác quản lý nhà nước về thú y còn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc tổ chức hệ thống cơ quan thú y ở cơ sở còn thiếu hướng dẫn; chỉ đạo cụ thể.

Nhiều văn bản cùng ban hành nhưng nội dung khác nhau gây lúng túng cho chỉ đạo thực hiện ở địa phương; hệ thống tổ chức cơ quan thú y các cấp bị đứt gãy ở cơ sở, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động quản lý nhà nước về thú y. Đặc biệt, một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về thú y không được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ; thiếu cán bộ có chuyên môn... ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác chỉ đạo chống dịch, kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau khi Luật Thú y năm 2015 được Quốc hội thông qua, các văn bản hướng dẫn thi hành luật được ban hành cơ bản đầy đủ. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới 154 tiêu chuẩn quốc gia, 19 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực này.

Như vậy, đến nay ngành thú y đã cơ bản có đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả đã góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi, tạo nguồn thực phẩm sạch phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và nâng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, giảm thiệt hại dịch bệnh thủy sản qua các năm…

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, hệ thống tổ chức ngành thú y ở địa phương có sự thay đổi, khi các tỉnh, thành phố thực hiện sáp nhập Chi cục Thú y cấp tỉnh, Trạm Thú y cấp huyện, giảm số lượng người làm công tác thú y ở các địa phương. Tuy nhiên, công tác giám sát, phát hiện bệnh và báo cáo dịch bệnh bị chậm do nhiều nơi không có lực lượng thú y cơ sở để tiếp nhận thông tin từ người chăn nuôi; thiếu nhân lực thú y để tham mưu, tổ chức phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, hiện nay việc xuất khẩu sản phẩm trứng, sữa, mật ong, thủy sản… cũng gặp nhiều khó khăn do các nước nhập khẩu đều yêu cầu sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu phải được sản xuất và giám sát theo chuỗi, trong đó có nguyên nhân do hệ thống thú y hiện nay thay đổi, không vận hành theo đúng quy định của Luật Thú y, không thực hiện giám sát theo chuỗi về an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm với sản phẩm xuất khẩu.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu với Chính phủ củng cố, kiện toàn hệ thống thú y để tạo sự đồng bộ từ trung ương đến các địa phương; có chế độ, chính sách phù hợp, nhất là hệ thống thú y xã, phường, thị trấn, đáp ứng yêu cầu, tốc độ phát triển chăn nuôi, thủy sản, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm trong thời gian tới. Hệ thống thú y cấp tỉnh, cấp huyện cần nâng cao năng lực về chẩn đoán, xét nghiệm nhanh; đầu tư về trình độ, năng lực, trang thiết bị (hệ thống máy, trang thiết bị, chẩn đoán, xét nghiệm…). Hệ thống thú y cơ sở (Ban Chăn nuôi thú y xã, phường) cần nâng cao về trình độ chuyên môn chẩn đoán thực tế, khám chữa bệnh; đảm bảo về chế độ chính sách (tiền công, lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế), để hệ thống yên tâm công tác.

Một số ý kiến đề nghị, các bộ, ngành cần ban hành văn bản hướng dẫn để tổ chức thống nhất hệ thống thú y trên cả nước theo đúng quy định của Luật Thú y năm 2015; xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp cho cán bộ thú y ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa; quan tâm xây dựng lực lượng thú y ở cơ sở…

Phan Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm