Kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói

Kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói
Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Minh - TTXVN
Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Minh - TTXVN

Tại hội nghị "Triển khai công tác phòng, chống hạn hán khu vực Tây Nguyên năm 2016" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức ngày 22/3 tại tỉnh Đắk Nông, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng đã yêu cầu các địa phương trong khu vực Tây Nguyên chủ động thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống hạn.

Trước mắt, thực hiện mạnh mẽ công tác truyền thông về các chính sách của Nhà nước để nhân dân trở thành chủ thể chống hạn; tập trung khoanh vùng có nguy cơ hạn cao để chỉ đạo và có biện pháp phòng, chống hạn có hiệu quả. Đồng thời, nắm chắc tình hình để hỗ trợ kịp thời, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói.

Cục Trồng trọt phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương triển khai nhanh chóng các gói hỗ trợ kỹ thuật để hỗ trợ người dân sản xuất tốt hơn; phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương liên quan thống nhất kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy điện phục vụ cấp nước tưới cho sản xuất và dân sinh vùng hạ du đạt hiệu quả cao.

Về giải pháp dài hạn, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng yêu cầu, các địa phương tập trung làm tốt công tác kế hoạch vốn để xây dựng các công trình thủy lợi, đẩy mạnh triển khai các dự án thủy lợi; tháo gỡ khó khăn để triển khai các dự án ODA; nâng cấp hệ thống hồ chứa để nâng cao dung tích chứa nước, nâng cao hiệu quả vận hành hồ chứa. Cùng với đó, địa phương cần đẩy mạnh, khuyến khích, hỗ trợ người dân xây dựng các hồ chứa nhỏ để tích nước; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước, áp dụng các mô hình tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm.

Dòng sông Ba đoạn qua huyện KBang (Gia Lai) cạn kiệt do hạn hán. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN
Dòng sông Ba đoạn qua huyện KBang (Gia Lai) cạn kiệt do hạn hán.
Ảnh: Hoài Nam – TTXVN

Tại hội nghị, các đại biểu cũng bàn về các giải pháp ứng phó với với hạn hạn hán phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương; kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ các địa phương kinh phí để chống hạn, khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh cho người dân.

Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, hạn hán ở khu vực Tây Nguyên diễn biến phức tạp và còn kéo dài làm ảnh hưởng lớn cho sản suất nông nghiệp và đời sống dân sinh. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ kịp thời và sự chủ động trong phòng, chống nên thiệt hại do hạn hán đã giảm rất nhiều.

Hiện nay, mực nước trên các sông dần xuống và ở mức thấp. Lượng dòng chảy trên các sông chính liên tục thiếu hụt từ 20 -70%, có nơi trên 90%. Các hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ đạt trung bình từ 30 -60% dung tích thiết kế, nhiều hồ đập xuống thấp hơn cùng kỳ năm 2015. Diện tích được tưới trực tiếp từ các công trình thủy lợi lớn chỉ chiếm 30% diện tích canh tác.

Đến nay, toàn khu vực đã có hơn 7.000 ha lúa phải dừng sản xuất. Diện tích lúa vụ Đông Xuân thiếu nước gần 5.400 ha; trong đó mất trắng và thiệt hại trên 70% hơn 1.500 ha. Có hơn 35.000 ha cây công nghiệp dài ngày cà phê, hồ tiêu… thiếu nước tưới. Dự báo, đến cuối tháng 3, nếu không có mưa, diện tích cây trồng bị hạn hán, thiếu nước sẽ tăng lên 135.000 ha. Toàn vùng có gần 17.600 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt. Nguy cơ cháy rừng vùng Tây Nguyên cũng đang nằm ở các cấp độ nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm sẽ duy trì trong thời gian dài./. 

Có thể bạn quan tâm