Kiên Giang tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng trong đồng bào các dân tộc thiểu số

Kiên Giang tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng trong đồng bào các dân tộc thiểu số
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang Phạm Thanh Hùng cho biết, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2021. Theo đó, sau khi ký kết Chương trình, hai bên phổ biến nội dung ký kết đến cán bộ của từng ngành, phối hợp triển khai ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc, với 882 cuộc, 22.306 lượt người tham dự.

Mặt trận Tổ quốc các cấp tranh thủ dịp lễ, Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc, phối hợp tuyên truyền đến các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức và Ban quản trị chùa Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, người có uy tín trên địa bàn, đồng bào dân tộc thiểu số các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tại một số huyện, xã trên địa bàn tỉnh, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cơ quan, đoàn thể là người dân tộc thiểu số, các vị chức sắc, cụ Àchar Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer về lịch sử vùng đất Nam Bộ - Việt Nam, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến đồng bào dân tộc Khmer. Đặc biệt là âm mưu của các thế lực thù địch xuyên tạc vùng đất Nam Bộ, tình hình phân giới cắm mốc giữa Việt Nam - Campuchia...
 
Thực hiện chương trình Tết Quân - dân, các cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 893 hành quân về xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, để “3 cùng” với đồng bào: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Ảnh: Lê Sen – TTXVN
Thực hiện chương trình Tết Quân - dân, các cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 893 hành quân về xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, để “3 cùng” với đồng bào: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Ảnh: Lê Sen – TTXVN

Mặt trận Tổ quốc các cấp tuyên truyền, phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trên những cụm dân cư có đông đồng bào dân tộc thiểu số và ngành nghề đặc thù mà tội phạm thường lợi dụng hoạt động... làm cho người dân hiểu và nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc thiếu số phản ánh tâm tư, nguyện vọng với Đảng, Nhà nước góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng nhiều hình thức như: Tiếp xúc cử tri, tiếp dân, giám sát, khảo sát... Qua đó, tập hợp báo cáo và kiến nghị đến cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành liên quan xem xét giải quyết kịp thời.

Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức thăm, chúc mừng một số chùa, gia đình chính sách tiêu biểu trong đồng bào Khmer nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sene Dolta… góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vận động nhân dân thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Theo ông Phạm Thanh Hùng, các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc được phổ biến, triển khai kịp thời đã tác động tích cực trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tạo chuyển biến sâu rộng trong nhận thức và hành động của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Danh Tây, người Khmer ngụ ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành chia sẻ, nhờ được cán bộ Mặt trận tuyên truyền, người dân tích cực  tham gia các mô hình phát triển kinh tế, chịu khó học hỏi chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng nâng lên.

Ông Nghiêu Tiên Kim, ngụ ấp 3, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc cho biết, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh thay đổi, khang trang hơn trước. Kết quả này có được là nhờ Nhà nước và người dân đoàn kết cùng làm. Người dân ai cũng vui mừng, luôn sẵn sàng đóng góp trong khả năng để xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp tuyên truyền trong đồng bào các dân tộc thiểu số còn một số hạn chế như: Việc tuyên truyền có nơi chưa được thường xuyên, đa dạng, chưa triển khai trong sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Trình độ hiểu biết của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Mặt khác, một số cán bộ chưa quan tâm tốt công tác dân tộc nên việc tuyên truyền, vận động còn gặp khó khăn.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang Phạm Thanh Hùng cho biết, thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong toàn tỉnh, Nghị quyết và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Bên cạnh đó, phát huy dân chủ cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; phối hợp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Mặt trận Tổ quốc các cấp tích cực vận động đồng bào đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân về công tác dân tộc, chính sách dân tộc giữa Kiên Giang với các tỉnh có chung đường biên giới của Vương quốc Campuchia gắn với việc bảo vệ chủ quyền biên giới và an ninh quốc gia nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển...
Hồng Đạt
TTXVN

Có thể bạn quan tâm