Kiên Giang: Những “Nhà khoa học nông nghiệp” chân đất không bằng cấp

Dự án VnSAT sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 ở huyện Gò Quao (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Dự án VnSAT sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 ở huyện Gò Quao (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2020, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông đã tác động lớn đến nhận thức của người dân, thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản. Qua đó, trình độ sản xuất của nông dân từng bước cải thiện, nâng lên và đặc biệt xuất hiện nhiều “Nhà khoa học nông nghiệp” chân đất không bằng cấp đã có ý tưởng sáng tạo, sáng chế mang dáng dấp nghiên cứu khoa học, tạo ra những giá trị nông nghiệp phục vụ sản xuất và đời sống xã hội. 

“Nhà khoa học” không bằng cấp

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang cho biết, từ thực tế đời sống, kinh nghiệm sản xuất, nhiều nông dân tiên tiến trong tỉnh, với tinh thần ham học hỏi, tìm tòi, có ý tưởng sáng tạo, đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học -công nghệ vào thực tiễn sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và giá trị thu nhập. Qua đó, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo ra quy trình sản xuất hữu hiệu.

Điển hình như ông Quách Ba ở số 23A, đường Trần Khánh Dư, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) đã mạnh dạn tham gia làm Chủ nhiệm dự án “Hoàn thiện hệ thống sấy lúa dạng tháp tuần hoàn, năng suất 30 tấn/mẻ” để nghiên cứu, chế tạo, hoàn thiện cụm thiết bị hệ thống sấy dạng tháp tuần hoàn, nhằm nâng cao năng suất sấy lúa, chất lượng lúa sau sấy, giảm giá thành sản xuất, kiểm soát khói, bụi, giảm ô nhiễm môi trường.

Tiếp đến, bà Hồ Kim Liên ở số 11, đường Hùng Vương, phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) tham gia thực hiện mô hình “Thí điểm các giải pháp nâng cao chất lượng nước mắm mang chỉ dẫn địa lý Phú Quốc”, nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất nước mắm mang chỉ dẫn địa lý Phú Quốc theo hướng giảm hàm lượng Histamine, Arsen, hạn chế đóng cặn trong nước mắm.

Cũng tại “đảo ngọc” Phú Quốc, ông Thái Tổ Trấn ở ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh, thành phố Phú Quốc đã mạnh dạn đề xuất tham gia chủ trì đầu tư hệ thống lồng nhựa HPDE quy mô lớn để ương giống, nuôi thương phẩm cá chim vây vàng trên vùng biển Phú Quốc, nhằm mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản xa bờ, quy mô công nghiệp trên vùng biển Kiên Giang.

Tại huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), nông dân Đinh Văn Cảnh, trú tại ấp Kênh 3A, xã Tân Hiệp A đã tham gia thực hiện mô hình xuất rau cần nước tại huyện Tân Hiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhằm hoàn thiện các quy trình kỹ thuật sản xuất rau cần nước, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho các hộ trồng rau cần nước trong khu vực, góp phần vào việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể rau cần nước của huyện Tân Hiệp.

Kiên Giang: Những “Nhà khoa học nông nghiệp” chân đất không bằng cấp   ảnh 1Ông Đinh Văn Cảnh (bìa trái) cùng đoàn kiểm tra của Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra mô hình trồng rau cần nước. Nguồn: hoinongdankiengiang.org.vn

Cũng tại huyện này, bà Nguyễn Thị Ngọc Sương ở khu phố B, thị trấn Tân Hiệp tham gia mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín. Mô hình này có mái che, kết hợp hệ thống tưới phun sương, lắp đặt hệ thống máy sưởi, thiết bị theo dõi nhiệt độ, độ ẩm, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, chất lượng nấm đảm bảo được người tiêu dùng ưa thích.

Một nông dân khác áp dụng khoa học - kỹ thuật vào nuôi trồng thuỷ sản là ông Huỳnh Văn Quýt, ấp Sáu Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) đã thực hiện mô hình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm vẹm xanh trong ao đất và ngoài bãi triều, nhằm hoàn thiện các quy trình kỹ thuật phù hợp điều kiện sản xuất của địa phương, hướng đến đa dạng hóa đối tượng nuôi cho người dân ven biển.

Cùng với đó, xuất phát từ mục đích, mong muốn hạn chế sức lao động mà vẫn đạt được hiệu quả cao trong sản xuất, nhiều nông dân tại tỉnh Kiêng Giang đã tự mày mò, nghiên cứu, chế tạo, cải tiến thành công nhiều máy móc nông nghiệp, xử lý nước thải chăn nuôi… được ứng dụng trong thực tế, giúp nhà nông giảm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều nông dân tham gia các hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh có sản phẩm được đánh giá cao như: ông Nguyễn Văn Mười (huyện Hòn Đất) sáng chế xe 3 trong 1 “sạ lúa - rải phân - phun thuốc bảo vệ thực vật”; ông Nguyễn Thanh Hùng (huyện Tân Hiệp) sáng chế xe ben đổ đất trên nhiều vùng đất không bị lún, chạy nhanh, ít tiêu hao nhiên liệu…

Sáng kiến khoa học trong đời sống sản xuất


Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2017 - 2020, trên địa bàn tỉnh có tổng số 160 đề tài, dự án về khoa học - công nghệ các cấp được phê duyệt triển khai thực hiện, trong đó có 90 đề tài, dự án phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khoa học khác nhau.

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang chia sẻ, các nghiên cứu tập trung chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến, triển khai các mô hình thí điểm, phổ biến các quy trình kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Tất cả các nghiên cứu này đều có sự tham gia, ứng dụng của người nông dân thông qua mô hình thí điểm. Cụ thể là ứng dụng các quy trình kỹ thuật hiện đại để nuôi thủy sản trên biển quy mô công nghiệp với công nghệ lồng nhựa HDPE; ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, tiết kiệm nước vào nuôi tôm công nghiệp theo hướng VietGAP; xây dựng các quy trình kỹ thuật sản xuất giống, nuôi thương phẩm các đối tượng thủy sản như: ghẹ xanh, sò huyết, nghêu lụa, nhum, cá bóp, cá ngựa, cá chạch lấu, cá chim vây vàng, cá trê suối Phú Quốc, cá thát lát, tôm cành xanh toàn đực, tôm thẻ chân trắng…

Nhiều đề tài, dự án tập trung vào cây trồng đặc sản của tỉnh như: xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống và trồng thương phẩm lúa mùa một bụi lùn, khóm Tắc Cậu, măng cụt Hòa Thuận, sầu riêng Hòa Thuận, khoai lang bông súng, tiêu Phú Quốc, tiêu Hà Tiên, nấm rơm, nấm mèo, nấm bào ngư Nhật, nấm bào ngư xám, nấm Linh Chi… theo hướng bảo tồn và phát triển; nghiên cứu chọn tạo các giống lúa cao sản có khả năng chống chịu mặn tốt, phục tráng các giống lúa mùa đặc sản của địa phương. Ngoài ra, các đề tài, dự án về khoa học - công nghệ còn tập trung vào xây dựng các quy trình xác định tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh, chất bảo quản trong rau, củ, quả, thịt, thủy sản; thiết kế, chế tạo hệ thống IoT tự động quan trắc và cảnh báo môi trường nước ứng dụng cho nuôi trồng thủy sản, mô hình sản xuất lúa - tôm…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn nhấn mạnh, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, các tiến bộ kỹ thuật mới vào phát triển sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn, phát triển các sản phẩm chủ lực. Thông qua các chương trình, dự án của trung ương và địa phương, tỉnh Kiên Giang đã chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến về cây trồng, vật nuôi, phương thức canh tác mới, góp phần nâng cao nhận thức của nông dân trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập.

Năm 2020, toàn tỉnh Kiên Giang có 21 sản phẩm nhãn hiệu tập thể chủ yếu có nguồn gốc từ nông nghiệp. Những sản phẩm này đã, đang tham gia vào thị trường được đánh giá cao như: Khóm (dứa) Tắc Cậu (Châu Thành), khô cá sặc rằn U Minh Thượng, sò huyết An Biên - An Minh, hồ tiêu Hà Tiên và Phú Quốc, gạo một bụi trắng U Minh Thượng… Đặc biệt, chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm truyền thống nước mắm Phú Quốc tiếp tục được thị trường châu Âu chấp nhận.

Hằng năm, tỉnh Kiên Giang cũng hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt chứng nhận VietGAP, bình quân 13 cơ sở được chứng nhận/năm. Hiện, tỉnh có 2 mô hình sản xuất lúa hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế USDA và 3 mô hình tôm - lúa đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ theo TCVN 11041.

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm