Kiên Giang nâng cao đời sống văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

Kiên Giang nâng cao đời sống văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

Kiên Giang là một trong những tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khoảng 69.219 hộ, hơn 275.000 người; trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer, với hơn 59.220 hộ, gần 238.000 người, chiếm 13,4% dân số tỉnh. Những năm qua, cùng với tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, Kiên Giang không ngừng phát triển, nâng cao đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, một trong những vấn đề trọng tâm là phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số. Hệ thống trường, lớp học vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tập trung đầu tư, nâng cấp và tăng cường thiết bị giáo dục đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học.

Đến nay, Kiên Giang có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú, gồm 1 trường cấp tỉnh tại thành phố Rạch Giá, 5 trường cấp huyện tại Gò Quao, Giồng Riềng, Châu Thành, An Biên và thành phố Hà Tiên. Tỷ lệ huy động trẻ là dân tộc thiểu số trong độ tuổi đến trường ngày càng tăng, đạt 97%. Từ năm 2015 đến nay, kết quả thi tốt nghiệp hàng năm của học sinh dân tộc thiểu số đạt kết quả cao ở 3 cấp học phổ thông, tiểu học 98 - 100%, trung học cơ sở 98 - 99%, trung học phổ thông 94 - 98%. Trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện thi trung học cơ sở hàng năm đạt gần 99% và trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh thi tốt nghiệp phổ thông trung học hàng năm đạt 98 - 100%.

Thực hiện chính sách cử tuyển, từ năm 2014 đến nay đã có 46 em được cử tuyển vào các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và 313 em được xét tuyển vào Trường Dự bị Đại học Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần nâng lên trình độ dân trí trong đồng bào dân tộc thiểu số và đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ có trình độ là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh quan tâm, chăm lo việc học chữ Khmer của đồng bào dân tộc Khmer. Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có 43 điểm trường dạy song ngữ với 223 lớp, gần 5.900 học sinh là dân tộc Khmer theo học và 31 chùa dạy chữ Khmer trong dịp hè với hàng trăm lớp, hơn 7.000 học sinh dân tộc Khmer theo học mỗi năm. Hàng năm, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ gần 600 triệu đồng để mua sách giáo khoa Khmer ngữ và hỗ trợ kinh phí cho giáo viên, sư sãi dạy chữ Khmer trong dịp hè. Bên cạnh đó, việc học chữ Hoa duy trì ở một số địa phương có đông người Hoa sinh sống.

Tỉnh Kiên Giang cũng quan tâm phát triển toàn diện văn hóa dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, tỉnh đã hỗ trợ đồng bào Khmer ở các địa phương đóng mới 7 chiếc ghe ngo, trang bị 3 dàn nhạc ngũ âm và nâng cấp lễ hội Ok-Om-Boc của đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Gò Quao thành ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp tỉnh của đồng bào dân tộc Khmer. Mặt khác, tỉnh duy trì phát triển Đoàn Nghệ thuật Khmer của tỉnh biểu diễn phục vụ đồng bào trong các dịp lễ hội. Phong trào văn nghệ quần chúng trong đồng bào dân tộc thiểu số duy trì, phát triển ở những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và thành lập các đội văn nghệ không chuyên.

Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm hỗ trợ việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và đồng bào dân tộc Khmer. Cụ thể như thực hiện phim tài liệu khoa học “Lễ tang, lễ cưới truyền thống của người Khmer”, “Lễ hội Ok-Om-Boc nét sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Khmer ở Kiên Giang”, sách “Người Khmer trong cộng đồng dân tộc Việt Nam ở Kiên Giang”…

Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều dự án trùng tu, tôn tạo di tích là các chùa Phật giáo Nam tông Khmer với tổng kinh phí hơn 22 tỷ đồng, hỗ trợ đầu tư xây dựng, sửa chữa 33 nhà hỏa táng, tổng kinh phí hơn 23 tỷ đồng và năm 2020 cấp kinh phí xây dựng 1 nhà hỏa táng hiện đại kinh phí trên 40 tỷ đồng. Cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống luôn tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn các hoạt động, sinh hoạt tín ngưỡng dân gian theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, chương trình phát thanh và truyền hình bằng tiếng Khmer được nâng lên chất lượng và thời lượng, phục vụ ngày càng tốt nhu cầu nghe và xem đài của đồng bào dân tộc Khmer. Tỉnh thực hiện tốt việc cấp phát báo, tạp chí cho các xã thuộc chương trình 135, vùng biên giới và các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh phục vụ tốt việc thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đồng bào dân tộc thiểu số tích cực hưởng ứng, hàng năm tỷ lệ hộ đạt chuẩn văn hóa trong đồng bào dân tộc Khmer đạt trên 90%.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, phát triển toàn diện, nâng cao đời sống văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số là nền tảng cho việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, từng bước hạn chế, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng cải thiện, nâng lên. Số hộ giàu, khá và trung bình ngày càng tăng, hộ nghèo giảm còn 3.258 hộ, chiếm 4,7% cuối năm 2020, thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số vùng nông thôn 42,7 triệu đồng/người/năm, tăng 1,45 lần so với năm 2015.

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm