Kiên Giang nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số

Học sinh Lớp 4/4, Trường Tiểu học Hồng Bàng ngày đầu tiên đến trường năm học 2021 - 2022. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Học sinh Lớp 4/4, Trường Tiểu học Hồng Bàng ngày đầu tiên đến trường năm học 2021 - 2022. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện năm 2021, góp phần giúp chất lượng giáo dục được ổn định và nâng lên rõ rệt, số học sinh yếu kém giảm, số khá giỏi tăng. Qua đó, các cấp quản lý giáo dục quan tâm hơn đối với việc đầu tư cơ sở vật chất cho trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh, để có điều kiện giáo dục đào tạo con em người dân tộc ngày một tốt hơn.

Giai đoạn 2016 - 2020 với nguồn vốn 62,582 tỷ đồng, trong đó chương trình mục tiêu hỗ trợ 25,2 tỷ đồng, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở huyện An Biên được đầu tư các hạng mục như: nhà học lý thuyết và nhà học bộ môn, nhà đa năng, nhà ăn, thư viện, ký túc xá, sân bóng đá mini… Các hạng mục công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng năm học 2016 - 2017, đã đem lại hiệu quả, góp phần huy động tối đa học sinh vùng dân tộc trong độ tuổi đến trường.

Bên cạnh đó, từ năm 2019-2021, tỉnh Kiên Giang thực hiện mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 - lớp 2, bàn ghế, cho các trường tiểu học công lập có học sinh bán trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển thuộc huyện Châu Thành, Giồng Riềng, An Biên, An Minh, Hòn Đất, Giang Thành.

Kiên Giang nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số ảnh 1Học sinh Lớp 4/4, Trường Tiểu học Hồng Bàng ngày đầu tiên đến trường năm học 2021 - 2022. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung, mạng lưới trường lớp điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vùng dân tộc thiểu số hiện đã được tăng cường đầu tư, cải thiện nhiều so với trước nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Năng lực một bộ phận cán bộ, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc nội trú và các xã có đông đồng bào dân tộc còn hạn chế, đời sống khó khăn nên chưa yên tâm đến công tác…

Do điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, một bộ phận người dân ý thức tiết kiệm, tự lực vươn lên thoát nghèo chưa cao; các trường học ở vùng dân tộc thiểu số địa bàn rộng còn tồn tại nhiều điểm trường lẻ gây khó khăn cho việc quản lý và dạy học...

Để phát triển bền vững giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, thời gian tới, tỉnh Kiên Giang tiếp tục đầu tư, bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu, bàn ghế học sinh, cho các trường tiểu học công lập có học sinh bán trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển thuộc huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất và Giang Thành.

Đồng thời, tỉnh hỗ trợ mua sắm bổ sung máy tính phục vụ giảng dạy và thiết bị dạy học cho các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở có học sinh bán trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển thuộc huyện Giồng Riềng, An Biên, An Minh, Hòn Đất và Giang Thành; hỗ trợ xây dựng tu sửa cơ sở vật chất nhà học, nhà ăn, nhà ở, nhà bếp cho các trường Phổ thông Dân tộc nội trú xây dựng lâu năm hoặc đã xuống cấp; tăng biên chế cho trường Phổ thông Dân tộc nội trú.

Hồng Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm