Kiên Giang khuyến khích đầu tư phát triển nuôi biển

Mô hình nuôi biển ở Bãi Nam, xã Hòn Nghệ. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Mô hình nuôi biển ở Bãi Nam, xã Hòn Nghệ. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Kiên Giang chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy nghề nuôi biển phát bền vững, hiệu quả theo hướng công nghiệp, hiện đại, góp phần tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân vùng biển đảo. Tỉnh sẽ thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển nuôi biển.

Kiên Giang khuyến khích đầu tư phát triển nuôi biển ảnh 1Mô hình nuôi biển ở Bãi Nam, xã Hòn Nghệ. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh phát triển đạt 7.500 lồng nuôi trên biển với diện tích mặt nước nuôi 7.000 ha (nuôi trai ngọc 100 ha), thể tích nuôi lồng khoảng 3 triệu m3. Trong số đó, nuôi 4.700 lồng cá truyền thống, nuôi công nghệ cao 1.900 lồng và nuôi thủy sản khác 900 lồng; diện tích nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ 24.000 ha. Sản lượng nuôi biển kỳ vọng đạt hơn 113.530 tấn; trong đó 29.870 tấn cá, 83.660 tấn nhuyễn thể hai mảnh vỏ và 260.000 viên ngọc trai; thu hút lao động vào nuôi biển hơn 18.510 người.

Trong kế hoạch phát triển đến năm 2030, Kiên Giang dự kiến nâng lên 14.000 lồng nuôi trên biển, với diện tích mặt nước nuôi 16.000 ha (nuôi trai ngọc 200 ha), thể tích nuôi lồng hơn 9,3 triệu m3. Sản lượng nuôi biển hơn 207.190 tấn; trong đó 105.720 tấn cá, 101.470 tấn nhuyễn thể hai mảnh vỏ và 520.000 viên ngọc trai và thu hút 47.680 lao động vào nghề nuôi biển.

Tỉnh bố trí 2 vùng nuôi biển trên địa bàn gồm: Vùng hải đảo thuộc huyện Kiên Hải, thành phố Phú Quốc, các xã đảo Tiên Hải (TP. Hà Tiên), Sơn Hải và Hòn Nghệ (Kiên Lương); vùng ven biển thuộc các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất Kiên Lương và thành phố Hà Tiên.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh triển khai 17 dự án, đề tài; trong đó có 4 dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, 7 dự án tăng cường năng lực quản lý và khuyến ngư và thực hiện 6 đề tài khoa học - công nghệ với tổng kinh phí 283 tỷ đồng; riêng giai đoạn 2021 - 2025 là 149 tỷ đồng.

Tỉnh đề ra các nhóm giải pháp mang tính đồng bộ, kết hợp thực hiện những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển nuôi biển được Chính phủ quy định để thu hút đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng bền vững, hiện đại và hiệu quả.

Theo đó, tỉnh xác định danh mục thu hút đầu tư về nuôi biển ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến, nuôi xa bờ, xây dựng cơ chế ưu đãi đặc biệt đối với những doanh nghiệp có tiềm lực tiên phong đầu tư nuôi biển tại Kiên Giang. Trước mắt, ngành chức năng tỉnh hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư để Tập đoàn Mavin và Công ty Australis Việt Nam sớm đưa dự án nuôi cá biển công nghiệp đi vào hoạt động.

Hiện Kiên Giang tiếp tục thực thi hiệu quả Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: miễn, giảm tiền thuê mặt nước của Nhà nước; tạo điều kiện tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn...; đồng thời, thực hiện một số cơ chế, chính sách của Chính phủ về chính phát triển thủy sản; hỗ trợ đầu tư, bảo hiểm đối với doanh nghiệp đầu tư nuôi biển trên địa bàn...

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm