Kiên Giang điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy lợi

Kiên Giang điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy lợi
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển thủy lợi này nhằm chủ động kiểm soát, đảm bảo cung cấp đủ nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu là phục vụ trồng lúa và sinh hoạt của nhân dân; cung cấp nước mặn cho nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm công nghiệp, quảng canh - quang canh cải tiến và tôm - lúa; kết hợp phát triển giao thông nông thôn.
Đập bằng cừ larsen trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương) ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Đập bằng cừ larsen trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương) ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
  
Tổng vốn đầu tư hơn cho việc quy hoạch thủy lợi của tỉnh Kiên Giang vào khoảng 19.530 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, vốn ODA, các chương trình của quốc gia, vùng, doanh nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã và tư nhân.
  
Theo ông Mai Anh Nhịn, riêng vùng Tứ giác Long Xuyên, tỉnh sẽ tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi giải quyết vấn đề xâm nhập mặn, đặc biệt là những công trình thủy lợi chưa xây dựng ở khu vực thành phố Rạch Giá và việc xâm nhập mặn lên vùng sản xuất ngọt của 2 huyện Kiên Lương, Giang Thành.

Cùng đó, giải quyết vấn đề cấp nước cho vùng, nạo vét một số tuyến kênh lấy nước từ sông Hậu bị bồi lắng và kênh thoát lũ và đầu tư thủy lợi nội đồng hoàn thiện theo các ô bao phục vụ sản xuất.

Ngoài ra, củng cố hệ thống bờ bao, bảo đảm an toàn khi lũ xuất hiện và hoàn thiện các công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng ven biển.
 
Tiếp đến, vùng Tây sông Hậu và U Minh Thượng, xây dựng hệ thống thủy lợi kiểm soát mặn cho vùng U Minh Thượng và vùng ven sông Cái Lớn - Cái Bé, bảo đảm có nguồn nước mặn ổn định phục vụ nuôi tôm trong mùa khô.
  
Hỗ trợ một phần nguồn nước ngọt cho khu vực ven biển An Biên, An Minh trong mùa mưa để sản xuất lúa trên đất tôm - lúa. Hoàn thiện hệ thống cống trên đê biển Tây thuộc 2 huyện An Biên, An Minh và hệ thống thủy lợi nội đồng để chủ động sản xuất.
  
Cùng với đó, trên vùng Tây sông Hậu xây dựng hệ thống đê bao quy mô ô bao 200 - 500 ha kết hợp cơ chế vận hành để lấy phù sa từ lũ vào cho đồng ruộng. Nạo vét các kênh trục lấy nước từ sông Hậu về sông Cái Lớn - Cái Bé để tăng cường khả năng cấp nước cho vùng. Đầu tư 10 cống thủy lợi ở đầu các kênh phía sông Hậu giáp với thành phố Cần Thơ để hỗ trợ cấp nước cho vùng.
  
Vùng U Minh Thượng đầu tư các hệ thống thủy lợi để chủ động kiểm soát nguồn nước mặn phục vụ phát triển thủy sản nước mặn khu vực ven biển và ven sông Cái Lớn - Cái Bé. Chủ động tích trữ nước trong mùa lũ để phục vụ sản xuất trong mùa khô. Hoàn thiện các công trình thủy lợi bảo vệ và phòng chống cháy rừng cho khu vực rừng tràm U Minh Thượng./.
 Lê Huy Hải
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm