Kiên Giang đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số

Nhằm nâng cao phát triển toàn diện nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số về thể lực, trí lực và tác phong, kỹ năng nghề nghiệp, trong đó ưu tiên dân tộc Khmer (dân tộc còn gặp nhiều khó khăn), Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang triển khai kế hoạch đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Qua đó, từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ chung của tỉnh và cả nước, xây dựng đội ngũ trí thức, doanh nhân, cán bộ người dân tộc thiểu số và lao động trực tiếp có chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của tỉnh và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Kien Giang day manh phat trien nguon nhan luc cac dan toc thieu so hinh anh 1

Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào vùng dân tộc thiểu số tại huyện U Minh Thượng. Nguồn: mattran.org.vn

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu ít nhất 25% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 75% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại cơ sở giáo dục Mầm non; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học cấp Tiểu học 100%. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng tuổi gần với mức bình quân của cả nước. Ngoài ra, đào tạo sau Đại học cho người dân tộc thiểu số đặt chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 0,3%; đến năm 2030 là 2% trong tổng số lao động dân tộc thiểu số đã qua đào tạo.

Đặc biệt, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, có khả năng hội nhập quốc tế cho học sinh dân tộc thiểu số. Đến năm 2030 đạt 80% số lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi 18 - 35 tuổi được cung cấp thông tin thị trường lao động việc làm.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung, tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung, củng cố mạng lưới các trường, cơ sở đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số để tập trung ưu tiên đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, củng cố, mở rộng quy mô hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho học sinh dân tộc nội trú. Đồng thời, tỉnh mở rộng việc dạy, học tiếng nói và chữ viết dân tộc thiểu số; phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số, giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số; hỗ trợ người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách,… học cao học, nghiên cứu sinh được miễn học phí.

Tỉnh Kiên Giang rà soát danh mục nghề đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu và thời gian đào tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp phù hợp với trình độ văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số và đặc điểm từng địa phương. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số phân công công chức phụ trách theo dõi công tác giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm. Từ đó, cung cấp thông tin về các khóa đào tạo nghề, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng như quyền lợi và trách nhiệm của người lao động đến người dân vùng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, đầu tư hoàn thiện trạm y tế xã; đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ y, bác sĩ tuyến huyện, xã. Đồng thời, tổ chức tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân cho thanh niên dân tộc thiểu số, quản lý thai, khám thai định kỳ; triển khai thực hiện tốt Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số 2015-2025 (giai đoạn II).

Hồng Đạt

Tin liên quan

Hòa Bình: 168.791 người dân chịu tác động từ các Quyết định về việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Ngày 22/2, đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn, đã làm việc tại tỉnh Hòa Bình, khảo sát, đánh giá tác động của việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn.


Kiên Giang nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện năm 2021, góp phần giúp chất lượng giáo dục được ổn định và nâng lên rõ rệt, số học sinh yếu kém giảm, số khá giỏi tăng. Qua đó, các cấp quản lý giáo dục quan tâm hơn đối với việc đầu tư cơ sở vật chất cho trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh, để có điều kiện giáo dục đào tạo con em người dân tộc ngày một tốt hơn.


Trà Vinh thực hiện 10 dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao mức sống

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, từ nay đến năm 2025, tỉnh Trà Vinh sẽ thực hiện 10 dự án với tổng kinh phí khoảng 1.465 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 1.005 tỷ đồng, số tiền còn lại là nguồn đối ứng từ ngân sách địa phương, vốn vay tín dụng chính sách và nguồn vốn huy động hợp pháp.


Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vùng dân tộc thiểu số

Những ngày đầu năm Nhâm Dần 2022, nhiều hộ dân tại xã nghèo Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) như “ngồi trên đống lửa” khi có nguy cơ mất hàng trăm triệu đồng vì người vay cố tình chây ì không trả. Vẫn phương thức, thủ đoạn cũ là “mượn tiền để đáo hạn ngân hàng”, hàng chục dân nghèo đã sập bẫy vì… cả tin.



Đề xuất