Kiên Giang chuyển đổi gần 4.500 ha cây trồng, giúp tăng hiệu quả gấp 2,5 - 4 lần

Kiên Giang chuyển đổi gần 4.500 ha cây trồng, giúp tăng hiệu quả gấp 2,5 - 4 lần

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả được tỉnh Kiên Giang quan tâm trong nhiều năm qua. Đây là một trong những giải pháp thích ứng với xu thế biến đổi khí hậu, sản xuất theo "thuận thiên" và nâng cao đời sống kinh tế cho nhân dân ở những khu vực chịu sự tác động của biến đổi khí hậu gây bất lợi đến sản xuất.

Kiên Giang chuyển đổi gần 4.500 ha cây trồng, giúp tăng hiệu quả gấp 2,5 - 4 lần ảnh 1 Nông dân huyện Hòn Đất sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cho lúa Thu Đông. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN

Thực hiện Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang là 5.119 ha; trong đó, chuyển sang cây trồng hàng năm 1.431 ha; cây lâu năm 804 ha (diện tích cây lâu năm được nhân hai để quy ra diện tích gieo trồng) và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 2.080 ha. Kết quả chuyển đổi tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Kiên Giang có 10/12 huyện, thành phố thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với tổng diện tích thực hiện chuyển đổi trên 4.480 ha/5.119 ha.

Với diện tích chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, nông dân chuyển đổi từ trồng lúa sang các mô hình trồng rau màu, dưa leo, củ cải, khổ qua, ớt, bầu, bí, rau ăn lá các loại… đã giúp nông dân tăng lợi nhuận, đồng thời cải tạo đất, nâng cao năng suất, hạn chế dịch hại trên cây trồng và tăng thêm nguồn thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, từng bước nâng cao trình độ thâm canh rau màu theo hướng an toàn, VietGAP, đa dạng hóa các loại rau màu thực phẩm phù hợp thị trường và đặc điểm sinh thái từng tiểu vùng.

Qua khảo sát, đánh giá của cơ quan chuyên môn, hầu hết diện tích sau khi chuyển đổi bình quân đạt hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2,5 - 4 lần so với trước khi chuyển đổi, lợi nhuận tăng thêm từ các mô hình mà nông dân chuyển đổi từ 15 - 25 triệu đồng/ha đối với mô hình luân canh; từ 35 - 45 triệu đồng/ha đối với mô hình chuyên canh. Đối với chuyển đổi sang trồng cây ăn trái giúp tăng thêm lợi nhuận 55 - 65 triệu đồng/ha cho nông dân.

Đối với chuyển đổi từ chuyên trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản ở những khu vực có điều kiện phù hợp giúp tăng thêm bình quân lợi nhuận hơn 85 triệu đồng/ha/năm. Đây là mô hình kết hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững đang được định hướng mở rộng cho các huyện vùng U Minh Thượng và khu vực ven biển vùng Tứ giác Long Xuyên.

Lê Sen

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm