Kiểm tra việc thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo tại tỉnh Bắc Kạn

Kiểm tra việc thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo tại tỉnh Bắc Kạn
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương kiểm tra Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW phát biểu. Ảnh: TTXVN phát
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương kiểm tra Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW phát biểu. Ảnh: TTXVN phát

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến ghi nhận kết quả và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn trong thực hiện Nghị quyết 24 và Chỉ thị 45. Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 24 và Chỉ thị 45, tỉnh Bắc Kạn cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc, nhiệm vụ triển khai, thực hiện các chính sách về dân tộc; tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tỉnh làm tốt công tác định canh, định cư; quy hoạch, sắp xếp khu dân cư hợp lý góp phần ổn định đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Tỉnh có giải pháp hạn chế tình trạng di cư ngoài kế hoạch của đồng bào; thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách dân tộc, phát triển giáo dục, đào tạo việc làm, y tế, văn hóa; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số…

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Nguyễn Văn Du tiếp thu ý kiến của Đoàn công tác và khẳng định, Bắc Kạn tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về  công tác dân tộc; Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Bắc Kạn đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng và thực hiện Đề án phát triển cây dược liệu giai đoạn năm 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030, kết nối với các tỉnh vùng Tây Bắc để phát triển ngành sản xuất, chế biến, thương mại dược liệu. Tỉnh đề nghị Trung ương phối hợp kêu gọi các doanh nghiệp cùng tỉnh tham gia xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền theo hình thức xã hội hóa gắn với phát triển cây dược liệu; nghiên cứu thực hiện thí điểm Đề án một số chính sách liên quan đến bảo vệ, phát triển rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Để tạo điều kiện phát triển kinh tế, du lịch, thu hút đầu tư, tỉnh Bắc Kạn đề nghị Trung ương xem xét bố trí nguồn kinh phí đầu tư tuyến quốc lộ 3 đoạn từ xã Thanh Bình, Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn; tuyến đường mới từ xã Quân Bình, huyện Bạch Thông đến Hồ Ba Bể; cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh tuyến đường kết nối Ba Bể (Bắc Kạn) với Na Hang (Tuyên Quang). Trung ương hỗ trợ xây dựng và chỉ đạo việc triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh và liên kết với các tỉnh vùng Tây Bắc.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc; Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh. 

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TTXVN phát
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TTXVN phát

Tỉnh Bắc Kạn có 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 86% (dân tộc Tày 54%, Dao 16,8%, Nùng 9%, Mông 5,5%, Hoa 0,4% và Sán Chay 0,3%). Toàn tỉnh có 78.987 hộ gia đình, trong đó có 68.275 hộ dân tộc thiểu số, chiếm trên 86,4% hộ dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24 -NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc, củng cố hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đầu tư phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi còn thiếu và chưa hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống giao thông, điện lưới, giáo dục, y tế. Một số công trình xuống cấp thiếu nguồn lực để cải tạo, nâng cấp nên chưa phục vụ hiệu quả nhu cầu của nhân dân. Kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm phát triển…

Mạnh Hà – Đức Hiếu

Có thể bạn quan tâm