Khuyến học ở Sóc Trăng

Em Thạch Thị Thanh Tiền (dân tộc Khmer, học sinh lớp 11A6) là học sinh tiêu biểu, điển hình vượt khó học giỏi nhiều năm liền của Trường Trường THPT DTNT Huỳnh Cương. Năm học vừa qua, Thanh Tiền đạt giải nhì môn Văn cấp tỉnh, hiện đang ôn tập để chuẩn bị c
Em Thạch Thị Thanh Tiền (dân tộc Khmer, học sinh lớp 11A6) là học sinh tiêu biểu, điển hình vượt khó học giỏi nhiều năm liền của Trường Trường THPT DTNT Huỳnh Cương. Năm học vừa qua, Thanh Tiền đạt giải nhì môn Văn cấp tỉnh, hiện đang ôn tập để chuẩn bị c

Công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp một phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục ở tỉnh Sóc Trăng, góp phần nâng cao trình độ dân trí, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời...

Đất học Đại Tâm

Nhắc đến xã Đại Tâm - vùng đất giồng cát của huyện Mỹ Xuyên nằm ven thành phố Sóc Trăng, địa bàn cộng cư lâu đời của 3 dân tộc Kinh, Khmer và Hoa, người ta nghĩ ngay đến vùng đất có truyền thống làm nương rẫy và… hiếu học với trên 3.700 hộ đồng bào Khmer, chiếm trên 85% tổng số hộ dân trên địa bàn, còn lại là dân tộc Kinh và Hoa.

Khuyến học ở Sóc Trăng ảnh 1Học sinh trường THCS Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) tranh thủ ôn bài trước khi vào tiết học mới. Ảnh: An Hiếu

Tuy ở địa bàn thuần nông, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng trên 5% nhưng người dân nơi đây luôn tự hào với truyền thống hiếu học, cầu tiến, năng động, biết nắm bắt, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều hộ gia đình DTTS tuy đời sống còn gặp không ít khó khăn, các bậc phụ huynh vẫn dành hết sự quan tâm, đầu tư, hy sinh cho việc học hành của con cái.

Theo chân lãnh đạo Hội Khuyến học địa phương, chúng tôi đến thăm gia đình ông Phan Trường Phát, một hộ gia đình Khmer hiếu học tiêu biểu ở xã Đại Tâm. Sinh năm 1967, ông Phát và vợ đã có trên 30 năm tảo tần mưu sinh với nghề buôn bán nhỏ. Trong những năm tháng khó khăn, vợ chồng ông luôn ấp ủ kỳ vọng và quyết tâm nuôi con ăn học thành tài, có công ăn việc làm ổn định để không phải bươn chải bấp bênh như cha mẹ.

Khuyến học ở Sóc Trăng ảnh 2Giờ học tiếng Khmer của học sinh THPT DTNT trú Huỳnh Cương (Sóc Trăng). Ảnh: An Hiếu

Nhờ chịu thương chịu khó, gia đình ông đã từng bước vươn lên khá giàu, chu cấp cho hai con gái ăn học thành tài, trở thành bác sỹ, có công ăn việc làm ổn định, hiện công tác tại các bệnh viện ở thành phố Sóc Trăng. Ông Phát cho biết: Trong những năm tháng tảo tần nuôi con ăn học, ngoài nỗ lực tự thân, gia đình ông luôn nhận được sự quan tâm, động viên và đồng hành của các cán bộ, lãnh đạo của Hội Khuyến học địa phương.

Khuyến học ở Sóc Trăng ảnh 3Em Thạch Thị Thanh Tiền (dân tộc Khmer, học sinh lớp 11A6) là học sinh tiêu biểu, điển hình vượt khó học giỏi nhiều năm liền của Trường Trường THPT DTNT Huỳnh Cương. Năm học vừa qua, Thanh Tiền đạt giải nhì môn Văn cấp tỉnh, hiện đang ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Ảnh: An Hiếu

Ông Kiên Phong Vĩnh, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Đại Tâm tự hào cho biết: Đại Tâm là một trong những xã có tỷ lệ người dân có trình độ học vấn cao nhất của huyện Mỹ Xuyên. Toàn xã hiện có 756 người đạt trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học; trong đó có 2 tiến sĩ, 34 thạc sĩ và tương đương.

Trong những năm qua, số lượng gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập và cộng đồng học tập ở xã Đại Tâm luôn tăng đều và ổn định qua mỗi năm. Từ 3 dòng họ học tập, 835 gia đình học tập, 7 đơn vị học tập, 8 cộng đồng học tập vào năm 2016, đến nay, xã Đại Tâm đã có 6 dòng họ học tập, 1.530 gia đình học tập, 8 đơn vị học tập và 8 cộng đồng học tập.

Khuyến học ở Sóc Trăng ảnh 4Cán bộ Hội Khuyến học đến thăm gia đình ông Phan Trường Phát - một gia đình hiếu học tiêu biểu ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: An Hiếu

Về đất học Đại Tâm, đi một đoạn chúng tôi lại bắt gặp một ngôi trường khang trang, sạch đẹp. Trên địa bàn xã Đại Tâm hiện có 6 trường học từ cấp học mầm non đến Trung học cơ sở, 5/6 trường được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuôi đến trường ở các cấp học hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 luôn đạt 100%.

Xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời

Sau 5 năm triển khai thực hiện các quyết định của trung ương và địa phương về  xây dựng xã hội học tập, hoạt động này đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, khuyến khích phong trào học tập suốt đời trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, tạo động lực để các gia đình thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước khác trong toàn tỉnh, địa bàn có đồng bào Khmer cư trú đông nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, chiếm hơn 30% dân số địa phương.

Khuyến học ở Sóc Trăng ảnh 5Trường THPT DTNT Huỳnh Cương, mái nhà chung của con em đồng bào các DTTS của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: An Hiếu

Ông Lâm Sao, Chánh Văn phòng Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Trong những năm gần đây, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể, triển khai nhiều chương trình, hoạt động thúc đẩy phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập.

Trong 5 năm qua, số lượng các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập trên địa bàn tỉnh tăng đều và tăng nhanh: Từ 26.672 gia đình học tập, 175 dòng họ học tập, 56 cộng đồng học tập và 178 đơn vị học tập vào năm 2016 lên gần 114.000 gia đình học tập, 688 dòng họ học tập, 597 cộng đồng học tập và hơn 720 đơn vị học tập trong năm 2020.

Khuyến học ở Sóc Trăng ảnh 6Giờ học tiếng Khmer của học sinh Trường Tiểu học Phường 2 (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: An Hiếu

Tính đến giữa năm 2020, các cấp Hội khuyến học ở Sóc Trăng đã phát triển được trên 192.000 hội viên, củng cố thành lập hơn 1.930 chi hội khuyến học, gần 670 ban khuyến học cơ quan, ban ngành đoàn thể các cấp.

Qua thực tiễn hoạt động khuyến học khuyến tài năm 2020, Hội khuyến học đã đề xuất UBND tỉnh Sóc Trăng tặng bằng khen các cá nhân, tập thể tiêu biểu cho 11 gia đình học tập, 6 dòng họ học tập, 3 cộng đồng học tập và 6 đơn vị học tập. Trong số này, có nhiều mô hình, điển hình là gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu vùng đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện Kế Sách, Trần Đề, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, thị xã Vĩnh Châu...

Khuyến học ở Sóc Trăng ảnh 7Góc thư viện với nhiều đầu sách, báo phục vụ cho việc học tập của học sinh trường THCS Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Ảnh: An Hiếu

Nhận thức được vai trò quan trọng của trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn trong việc xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, các cấp Hội Khuyến học trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tích cực phối hợp cùng ngành giáo dục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, vận động người dân tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước, từ đó góp phần nâng cao dân trí, giúp đồng bào từng bước vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Khuyến học ở Sóc Trăng ảnh 8Trường THPT DTNT Huỳnh Cương có hơn 90% học sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer đang theo học. Ảnh: An Hiếu

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng được hơn 100 trung tâm học tập cộng đồng, tổ chức được gần 900 lớp học với trên 48.000 lượt người tham dự. Hội Khuyến học cũng đã tổ chức bồi dưỡng 5 lớp học tiếng Khmer cho gần 730 học viên là cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang và người dân theo học.

Theo Nhà giáo Nhân dân (NGND) Lâm Es, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng: Việc thúc đẩy các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, cần có sự chung tay của nhiều ban ngành, đoàn thể. Riêng đối với tỉnh Sóc Trăng, từ khi thành lập Hội Khuyến học vào năm 2003 đến nay, Hội luôn xác định việc xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Khuyến học ở Sóc Trăng ảnh 9Trường Mầm non 30/4 (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) được đầu tư xây dựng mới, đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi của con em đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn. Ảnh: An Hiếu

Học tập là phải học tập suốt đời. Ngay bản thân tôi năm nay đã 84 tuổi vẫn phải tự học, đọc sách, rèn luyện bản thân mỗi ngày. Khuyến học phải bắt đầu từ mỗi cá nhân ham học, lan tỏa trong mỗi gia đình học tập, nhân rộng đến vùng đất hiếu học và từ đó, cả nước ta sẽ trở thành một xã hội học tập. Công tác khuyến học phải gắn liền với việc lan tỏa văn hóa đọc, đọc và học tập suốt đời, mãi mãi, theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại.”, NGDN Lâm Es cho biết.

Khuyến học ở Sóc Trăng ảnh 10NGND Lâm Es, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: An Hiếu

“Từ 4 mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị học tập trong hoạt động khuyến học khuyến tài, chúng ta phải nâng lên một mức cao hơn, hướng tới học tập suốt đời, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa”, NGND Lâm Es, chia sẻ.

Tiên phong trong việc xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, hướng tới đánh giá, công nhận danh hiệu “đơn vị học tập”, bình xét tiêu chí “gia đình học tập” gắn với bình xét danh hiệu “gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa”, từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời, phát huy vai trò của mỗi hội viên Hội Khuyến học là một nhân tố tích cực, thúc đẩy việc học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị, trường học… góp phần nâng cao chất lượng các mô hình học tập, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.  

Bài và ảnh: Thu Hương - An Hiếu (Báo ảnh DT&MN/TTXVN)

(Báo ảnh DT&MN/TTXVN)

Có thể bạn quan tâm