Khuyến cáo người dân không nên tin "thần y" chữa bách bệnh ở Lạng Sơn

Khuyến cáo người dân không nên tin "thần y" chữa bách bệnh ở Lạng Sơn
Rất đông người tới gặp “thần y” để mong chữa khỏi bệnh. Ảnh: Quang Duy - TTXVN
Rất đông người tới gặp “thần y” để mong chữa khỏi bệnh.
Ảnh: Quang Duy - TTXVN
Sáng sớm 10/7, rất đông người đã tới tìm gặp “thần y”. Nơi xoa bóp, bấm huyệt là căn phòng khách tầng 1 rộng chừng 30m2 chật cứng người. Bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi, giới tính, nhưng chủ yếu là người già và phụ nữ. Vật vờ ngoài hiên nhà, ông Lê Đình Cường (50 tuổi, nhà ở thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) bị đau nhức cơ thể, đi lại khó khăn, được người thân dưới thành phố Lạng Sơn thông tin rằng có người chữa được bách bệnh nên nằng nặc đòi con trai đưa tới. Ông Cường cho biết, đã đến đây hai ngày mà chưa được khám vì đông người quá. Hôm nay đến sớm xếp chỗ mong được chữa trị. Qua quan sát và tìm hiểu, người đàn ông tự nhận là “thần y” này chừng ngoài 50 tuổi; nước da ngăm đen, nói giọng lơ lớ và hầu như không ai biết tên. Vị này chọn chỗ ngồi đối diện với cửa chính để tiện quan sát người ra, vào và chừng 3- 4 giây lại ngước mắt ra cửa một lần như thể đang đề phòng việc gì đó. Người đến khám được “thần y” hỏi sơ qua vài câu rồi bắt đầu tiến hành “phán” bệnh và xoa bóp, bấm huyệt; một liệu trình như vậy chừng 5 – 10 phút. Trong khi xoa bóp, “thần y” hút thuốc lá liên tục và hỏi thăm một vài người ngồi xung quanh. Khói thuốc lá bủa vây quanh nhà; mùi thuốc lá, mùi dầu gió cộng với hơi người khiến căn phòng nhỏ trở nên ngột ngạt, rất khó chịu. Mỗi ngày có gần trăm lượt người tới đây để mong được chữa khỏi bệnh. Qua lời kể của một số người, bệnh nào "thần y" cũng có thể chữa được, từ cận thị tới viêm xoang, từ viêm phổi tới bại liệt chân tay hay kể cả hôi mồm, trĩ nặng… Tất cả chỉ cần ngồi im, nằm im cho “thần y” xoa bóp, bấm huyệt (?). Khi được hỏi tiền khám bệnh, một người đến khám cho biết, “thần y” không thu tiền của từng người mà ai khám xong đều biết ý để lại tiền, nhiều thì 200 nghìn đồng, ít thì 50 nghìn đồng. Việc xuất hiện điểm khám bệnh, bấm huyệt trên thu hút đông người cũng khiến người dân sống quanh khu vực đường Lương Văn Can không khỏi nghi ngờ. Ông Trần Văn Nghĩa, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, thắc mắc: Tổ chức khám chữa bệnh ở nơi vắng vẻ như vậy thì hoặc không có chứng chỉ hành nghề, hoặc có vấn đề gì đó. Nếu có chứng chỉ thì sao không treo biển quảng cáo; nếu chữa được bệnh hoặc không có vướng mắc gì về pháp lý thì tại sao không khám ở vị trí rộng rãi, dễ tìm hơn để người dân tới khám, thay vì chỗ ít người qua lại như thế??? Trao đổi về thông tin trên, các bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Lạng Sơn nhận định, việc làm này hoàn toàn sai với các bước kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh, cũng như liệu trình điều trị trong xoa bóp, bấm huyệt được quy định tại Quyết định 792/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Bác sĩ Đinh Quang Vinh, Trưởng khoa Nội nhi, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Tại bệnh viện, một bệnh nhân được chỉ định xoa bóp, bấm huyệt, phải qua khâu khám để chẩn đoán bệnh. Tùy một số loại bệnh mà tiến hành xét nghiệm cận lâm sàng, chụp phim X-quang… sau đó mới chỉ định bệnh nhân nào có thể được xoa bóp, bấm huyệt." Các bác sĩ chuyên môn về xoa bóp, bấm huyệt Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa nên tới các cơ sở điều trị, các phòng, khoa chuyên môn có chứng nhận, chứng chỉ hành nghề đúng quy định đã được cấp phép. Mọi hình thức bấm huyệt, xoa bóp, nếu không làm các xét nghiệm ban đầu có thể dẫn tới tai biến bất cứ lúc nào.

Nguyễn Quang Duy

Có thể bạn quan tâm