Khu tái định cư Đăk Ring, tỉnh Kon Tum: “Treo” nhà dân đến bao giờ ?

Khu tái định cư Đăk Ring, tỉnh Kon Tum: “Treo” nhà dân đến bao giờ ?

Theo đó, huyện đã quy hoạch một khu đất rộng 700 ha, trong đó có 580 ha đất sản xuất đã được trồng cây cà phê để giúp 300 hộ dân với khoảng 1.500 nhân khẩu về ở. Ngoài ra, hệ thống điện, nước, giao thông cũng được xây dựng đồng bộ. Từ năm 2011, có 74 hộ dân đã được di dời lên nơi ở mới. Tuy nhiên, suốt 4 năm qua, 74 hộ dân này vẫn chưa an cư. 

* Bơ vơ trên…rẫy nhà 

Năm 2010, 52 hộ dân đầu tiên đã được chính quyền đón về nơi ở mới này. Tại nơi ở mới, mỗi hộ được cấp bình quân khoảng 1ha (cả đất sản xuất là cà phê đang kinh doanh và đất ở). Ngoài ra, mỗi hộ dân khi về nơi ở mới còn được dự án hỗ trợ 41 triệu đồng xây nhà. Nhà mới, lại có rẫy cà phê đang kinh doanh liền vườn đã thực sự mang lại nhiều niềm vui cho người dân nơi đây. 

Cuộc sống của người dân ở khu tái định cư Đăk Ring vẫn còn nhiều khó khăn
 Cuộc sống của người dân ở khu tái định cư Đăk Ring vẫn còn nhiều khó khăn


Đến năm 2011 có thêm 74 hộ dân khác cũng được chính quyền dự định bố trí định cư tại thôn Tua Tem này. Tuy nhiên, sau 4 năm về “nhà” mới thì cuộc sống của 74 hộ trên lại bị đảo lộn hoàn toàn. Thay vì ổn định tại đất mới, 74 hộ trên 4 năm qua vẫn bơ vơ chưa biết chỗ để an cư. Nhà cũ, rẫy cũ đã nhường cho thuỷ điện, nơi ở mới, rẫy có, còn nhà thì chưa khiến người dân rất vất vả. Không nhà, có hộ về làng cũ ở tạm, hàng ngày lại chạy gần 20km lên rẫy mới chăm sóc cà phê. Số khác, cả vợ chồng, con cái lại chen nhau trong nhà ông bà lên khu tái định canh, định cư đợt 1 để ở. Căn nhà ở rộng chừng 30 mét vuông mà chứa cả hơn chục người khiến cuộc sống thêm cơ cực. 

Già A Ling lên từ đợt đầu, sau khi ổn định cuộc sống thì con gái, con rể cùng các cháu được chính quyền di cư lên đợt 2. Tuy nhiên đợi 4 năm không thấy dự án cấp tiền xây nhà khiến cả gia đình già A Ling mệt mỏi. Ở cái tuổi đáng phải dưỡng già thì A Ling lại lo lắng từng ngày. “Cà phê có, con cái lên đây lại không có nhà ở. Nhà già chật, đông người vì thêm con cháu, làm sao có đủ để ở” - ông A Ling than thở. Cả nhà hơn 10 người lớn nhỏ chen chúc trong căn nhà rộng chừng 40 mét vuông với chỉ một phòng ngủ. Bức bí quá, già A Ling phải làm thêm một nhà gỗ nhỏ cho vợ chồng đứa con trai út ở riêng cạnh nhà ông. Sau thời gian làm cà phê, A Ling muốn kiếm đất trồng mỳ cũng không có, nhà dư sức lao động lại không có việc làm, đi làm thuê được 1 - 2 ngày là hết việc. Già A Ling và nhiều hộ khác ngoài rẫy cà phê dự án cấp không còn đất để làm thêm. 

Anh A Bôn ở làng Long Loi, thị trấn Đăk Hà sau khi được đưa lên nơi ở mới nhưng 4 năm bơ vơ giữa rẫy khiến anh mệt mỏi. A Bôn tâm sự: “Nhà nước cho rẫy cà phê là vui lắm. Lúc đầu nói có nhà nhưng lên đây 4 năm vẫn chưa thấy. Không có nhà để ở phức tạp lắm. Mình mong nhà nước ưu tiên cho bà con xây cái nhà để ổn định cuộc sống. Bây giờ mình về làng cũ thì lấy gì mà làm. Nhà cửa, rẫy đã nhường cho thuỷ điện hết rồi”. 

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Quốc Việt – Chủ tịch UBND xã Đăk Long, huyện Đăk Hà cho biết: Qua theo dõi 52 hộ tái định cư đợt đầu, về cơ bản, cuộc sống của họ đã ổn định. Một số hộ bước đầu làm ăn kinh tế phát triển tốt, mua thêm ruộng để làm. 74 hộ tái định cư đợt sau đã có đất sản xuất nhưng chưa có nhà ở, hộ khẩu chưa chuyển lên nên gây khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất. Khi chỉ đạo sản xuất lãnh đạo xã phải chỉ đạo thông qua một đơn vị xã bạn nên rất khó khăn. 

* Định cư… biết đến bao giờ? 

Năm 2009, tỉnh Kon Tum phê duyệt dự án (giai đoạn 2009-2015) với tổng mức đầu tư là 150 tỷ đồng. Đến nay, dự án đi vào năm cuối nhưng mới chỉ di cư cho 126 hộ/300 hộ như dự tính ban đầu, mọi việc vẫn còn dang dở. 

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án quy hoạch, bố trí dân cư tại xã Đăk Ring, nguồn vốn được bố trí cho dự án này chỉ mới được giải ngân hơn 98 tỷ đồng (cho 3 năm từ 2010-2013). Số vốn còn lại 52 tỷ đồng cho 2 năm 2014 – 2015 không có nguồn để thực hiện và hiện, nguồn vốn cần để dự án có thể hoàn thiện phần còn lại đã đội lên tới 173 tỷ đồng. Sự chênh lệch này, theo ông Trần Đình Trọng - Phó trưởng Ban quản lý dự án, là do thời điểm xây dựng dự án vào năm 2009, giá bồi thường cũng như chi phí xây dựng so với thời điểm hiện tại có sự khác biệt lớn. Đến nay, ngay cả Ban quản lý dự án cũng chưa thể biết được bao giờ dự án mới có thêm vốn và tiếp tục triển khai để giúp dân thuộc diện tái định cư ổn định đời sống. 

“74 hộ lên lần 2 hiện nay có đất sản xuất nhưng dự án chưa bố trí được nguồn vốn hỗ trợ cho các hộ làm nhà. Hiện không chỉ Ban dự án mà cả người dân mong các cấp các ngành quan tâm bố trí vốn xây dựng nhà ở, cấp nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt, giúp dân ổn định cuộc sống” ông Trần Đình Trọng kiến nghị. 

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Việt cho biết thêm: “Trong thời gian tới, chúng tôi kiến nghị nếu có điều kiện bố trí nguồn vốn đầy đủ xây dựng nhà ở sẽ giúp 74 hộ này ổn định cuộc sống. Việc dân định cư ổn định cũng sẽ giúp công tác quản lý điều hành, sản xuất của xã thuận lợi hơn, góp phần vào công tác phát triển kinh tế xã hội nơi này”. 

Theo A Bôn thì không chỉ anh mà tất cả 74 hộ sau này đều đang gặp nhiều khó khăn. Việc về làng cũ ở quá xa (40-50km cả đi và về), đi lại tốn kém, trong khi ruộng vườn, nhà cửa nhiều người đã không còn. Nơi mới chưa định cư, con cái lại về làng cũ ở, học hành khiến cuộc sống bị xáo trộn. Định cư chưa được, thời gian qua việc sản xuất của người dân nơi này cũng gặp nhiều khó khăn. Năm vừa qua, hạn hán đã làm cho năng suất vườn cây nơi đây giảm nhiều. Mất mùa, ít đầu tư cho vườn cây, nay thời tiết lại nóng như thử thách “sức” của vườn cây. Định cư chưa có, năm nay sản xuất gặp khó càng khiến người dân lo lắng. 

Dự án quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đăk Ring, huyện Đăk Hà là một chủ trương tốt, cần nhân rộng. Tuy nhiên, để dự án đi đến cùng, mang lại hiệu quả rõ nét thì vẫn còn nhiều vấn đề mà tỉnh Kon Tum cần giải quyết để giúp người dân an cư, lạc nghiệp trên vùng đất mới./. 




Có thể bạn quan tâm