Khởi tố 9 bị can trong vụ phá rừng pơ mu tại huyện Nam Giang (Quảng Nam)

Khởi tố 9 bị can trong vụ phá rừng pơ mu tại huyện Nam Giang (Quảng Nam)

Trong số 9 bị can bị khởi tố có 5 đối tượng bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt khẩn cấp gồm: Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1978, trú tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình; Nguyễn Văn Sanh, sinh năm 1982, trú tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình; Lê Trọng Dương, sinh năm 1968, trú tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình; Nguyễn Văn Quang, sinh năm 1982, trú tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam; Tiêu Hồng Tư, sinh năm 1967, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Trong đó, Nguyễn Văn Thắng là nhóm trưởng trực tiếp chặt hạ gỗ tại xã La Dêê; Nguyễn Văn Sanh là nhóm trưởng trực tiếp vận chuyển gỗ; Lê Trọng Dương là nhóm phó chặt hạ gỗ; Nguyễn Văn Quang là người tổ chức thuê nhóm khai thác và nhóm vận chuyển gỗ; Tiêu Hồng Tư là đối tượng đã cung cấp tiền để Nguyễn Văn Quang tổ chức khai thác, vận chuyển gỗ. 4 đối tượng tham gia khai thác ra đầu thú, bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú, được cho tại ngoại gồm: Mai Văn Cường, Mai Văn Châu, Phạm Văn Bồng, Lê Hồng Diêu. 

 
Chiều 25/8/2016, Công an tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo để thông tin tới các cơ quan thông tấn, báo chí về kết quả điều tra ban đầu vụ án phá rừng pơ mu tại khu vực biên giới xã La Dêê , huyện Nam Giang. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN
Chiều 25/8/2016, Công an tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo để thông tin tới các cơ quan thông tấn, báo chí về kết quả điều tra ban đầu vụ án phá rừng pơ mu tại khu vực biên giới xã La Dêê , huyện Nam Giang. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Đối với nhóm vận chuyển gỗ, cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt giữ 1 đối tượng còn 11 đối tượng đang bỏ trốn và cơ quan điều tra đang tiếp tục truy bắt. Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: tính đến thời điểm này, cơ quan điều tra đã khởi tố 9 đối tượng có liên quan đến vụ án phá rừng này. Những đối tượng khác có liên quan cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra hiện chưa có chứng cứ, tài liệu chứng minh các cơ quan quản lý địa bàn nơi xảy ra vụ phá rừng có dấu hiệu bao che, dung túng sai phạm. Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định, không có chuyện cơ quan Công an tỉnh “tố” lực lượng Biên phòng và lực lượng Biên phòng ngăn cản cơ quan điều tra như một số cơ quan báo chí đã thông tin thời gian qua. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa lực lượng công an và biên phòng trong vụ án này có thời điểm chưa được tốt. Công an tỉnh Quảng Nam cũng kêu gọi các đối tượng liên quan còn đang lẩn trốn nhanh chóng ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. 

Trước đó vào đầu tháng 7, qua tin tố giác của quần chúng nhân dân về một số đối tượng khai thác trái phép rừng tự nhiên pơ mu tại tiểu khu 351, xã La Dêê, huyện Nam Giang, công an huyện Nam Giang đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung thuộc Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam kiểm tra khu vực biên giới Việt Nam- Lào gần Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang phát hiện thu giữ 297 phách pơ mu có khối lượng hơn 31 m3. 

Do tính chất phức tạp của vụ việc trong khu vực biên giới nên ngày 14/7 Hạt kiểm lâm Nam Sông Bung ra quyết định khởi tố vụ án và chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Giang điều tra xử lý theo quy định. Mở rộng phạm vi điều tra, Công an huyện Nam Giang phát hiện thu giữ tổng số 611 phách, 8 lóng gỗ tròn có khối lượng hơn 47 m3. 

Ngày 25/7, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đã quyết định rút vụ án về Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh xác lập chuyên án đấu tranh. Ngày 28/7, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường, xác định có 60 cây gỗ pơ mu bị chặt hạ với khối lượng hơn 115 m3; t rong đó có 41 gốc gỗ pơ mu bị chặt tại khoảnh 5, 8 Tiểu khu 351 thuộc rừng phòng hộ với khối lượng 75m3; còn 19 gốc thuộc lãnh thổ Lào.

Có thể bạn quan tâm