Tây Ninh là tỉnh nằm ở miền Đông Nam Bộ, có đường biên giới dài 240 km, giáp với các tỉnh Svay Rieng, Prey Veng và Tboung Khmum thuộc Vương quốc Campuchia. Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, các địa phương biên giới đã không ngừng đổi thay về diện mạo cũng như đời sống người dân…
Xã nghèo vùng biên “thay áo” mới
Từ một vùng đất hoang sơ đầy khó khăn, ấp Tân Khai, xã Tân Lập (huyện Tân Biên) nay đã đổi thay nhiều với hệ thống giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang; người dân có nhà ở kiên cố, sạch đẹp, đời sống ngày càng cải thiện.

Nhiều loại trái cây đặc sản được bày bán tại chợ biên giới Tân Lập, huyện Tân Biên (Tây Ninh). Ảnh: An Hiếu



Hệ thống tuyến cáp treo Núi Bà Đen, một trong những công trình tiêu biểu, mở ra nhiều cơ hội để phát triển du lịch ở tỉnh vùng biên Tây Ninh. Ảnh: An Hiếu


Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen nằm trên địa bàn phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh, xã Thạnh Tân thuộc thành phố Tây Ninh hiện là khu du lịch tâm linh tiêu biểu của tỉnh vùng biên Tây Ninh. Ảnh: An Hiếu
Dẫn chúng tôi đi thăm Khu dân cư biên giới Chàng Riệc được tỉnh quy hoạch với diện tích 643 ha, tổng kinh phí đầu tư trên 172 tỷ đồng, nơi cư trú của 320 hộ đồng bào các dân tộc Khmer, Chăm, Mường, Thái, Tày…, ông Ngô Minh Tùng, Trưởng ấp Tân Khai phấn khởi chia sẻ: “Đồng bào được hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất canh tác và được vay vốn ưu đãi. Qua nhiều năm sản xuất, đời sống các hộ dân dần ổn định. Đến nay, ấp không còn hộ nghèo, có hộ vươn lên khá giả, 100% hộ có phương tiện nghe nhìn”.



Chia tay ấp Tân Khai, chúng tôi tới ấp Tầm Phô, xã Tân Đông (huyện Tân Châu), nơi sinh sống của hơn 200 hộ đồng bào Khmer. Nếu như 10 năm trước, Tầm Phô còn rất nghèo, đời sống người dân khó khăn thì đến nay, ấp đã thực sự “thay da, đổi thịt” với những căn nhà mới khang trang, xe máy, ô tô xuất hiện ngày càng nhiều.


Theo ông Chum Chòm Ran, Trưởng ấp Tầm Phô: “Nhờ chăm chỉ, chịu khó lao động, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển chăn nuôi bò sinh sản…, nhiều hộ đã thoát nghèo. Hiện tại, thu nhập bình quân của các hộ trong ấp đạt 250 triệu đồng/hộ/năm”.

Những ngôi nhà sàn mang kiến trúc đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer cùng với tuyến đường giao thông liên ấp ở xã biên giới Tân Đông, huyện Tân Châu (Tây Ninh). Ảnh: An Hiếu

Giờ học tiếng Khmer của trẻ em ở ấp Tầm Phô, xã Tân Đông, huyện Tân Châu (Tây Ninh). Ảnh: An Hiếu

“Cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã được tỉnh quan tâm đầu tư đã làm thay đổi bộ mặt của nông thôn, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội của nhiều xã; nhiều chính sách được thực hiện lồng ghép trong NTM như: hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…”. (Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh)
Đến với các ấp khác như Kà Ốt, Suối Dầm ở xã Tân Đông (huyện Tân Châu), đâu đâu cũng thấy một diện mạo mới. Đời sống người dân có sự thay đổi rõ nét. Bà con đang từng bước ổn định cuộc sống, yên tâm xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh biên giới.
Xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng biên
Sau 13 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo các xã vùng biên Tây Ninh đã có nhiều đổi thay, nhất là tại những vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống. Cảm nhận rõ nét nhất về thành tựu xây dựng NTM ở nơi đây là những con đường bê tông sạch đẹp, rộng rãi, vươn đến mọi ngõ xóm. Người dân trực tiếp đóng góp tiền của, ngày công và tình nguyện hiến đất mở đường.

Em Cường Như, nữ sinh Khmer trường THCS Hòa Hiệp, xã biên giới Hòa Hiệp, huyện Tân Biên (Tây Ninh). Ảnh: An Hiếu
Đến nay, 20/20 xã vùng biên trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng NTM; 100% đường trục liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; dịch vụ bưu chính, viễn thông; internet đến hầu hết các ấp… Đặc biệt, huyện Tân Biên đã có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tại đây, người dân được thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước như: vốn vay phát triển sản xuất, đào tạo nghề, xây dựng nhà tình nghĩa…

Không chỉ làm thay đổi diện mạo và đời sống người dân, công tác xây dựng NTM tại các xã vùng biên trong tỉnh còn góp phần đáng kể vào thành quả chung trong quá trình thực hiện xây dựng NTM ở Tây Ninh. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh chỉ có 1 xã đạt 7 tiêu chí, 68 xã đạt dưới 5 tiêu chí thì đến cuối năm 2022, Tây Ninh đã có 55/71 xã đạt chuẩn NTM, 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ông Van Na Nắc (bên trái ảnh), người Khmer ở ấp Tầm Phô, xã Tân Đông, huyện Tân Châu (Tây Ninh) giới thiệu với chính quyền địa phương mô hình trồng mía hiệu quả của gia đình. Ảnh: An Hiếu
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh: “Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở cấp xã được tỉnh quan tâm đầu tư đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở các xã vùng biên”.

Nữ sinh dân tộc Khmer Than Thi Đa và Mao Mum, trường THPT Nội trú Tây Ninh trong không gian nhà sàn truyền thống của người Khmer ở ấp Tầm Phô, xã biên giới Tân Đông (Tân Châu, Tây Ninh). Ảnh: An Hiếu

Thiếu nữ Khmer rạng rỡ trong trang phục truyền thống tại không gian nhà sàn của người Khmer ở ấp Tầm Phô, xã biên giới Tân Đông (Tân Châu, Tây Ninh). Ảnh: An Hiếu
Tây Ninh phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025, sẽ có 36 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã đạt NTM kiểu mẫu và ít nhất 50% số huyện được công nhận NTM; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt trên 71 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống dưới 0,5%... Đến năm 2030, 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 100% huyện đạt chuẩn NTM và 50% huyện được công nhận NTM nâng cao. Tỉnh sẽ có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, đời sống người dân ổn định, không còn hộ nghèo, thu nhập người dân nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị vào năm 2050.
Thu Hương