Khởi sắc ở huyện vùng biên Bát Xát

Khởi sắc ở huyện vùng biên Bát Xát
Y Tý đẹp như một miền cổ tích thu hút khách du lịch. Đây là điều kiện để tỉnh Lào Cai và huyện Bát Xát định hướng xây dựng Y Tý thành khu “Sa Pa 2”. Ảnh: batxat.laocai.gov.vn
Y Tý đẹp như một miền cổ tích thu hút khách du lịch. Đây là điều kiện để tỉnh Lào Cai và huyện Bát Xát định hướng xây dựng Y Tý thành khu “Sa Pa 2”. Ảnh: batxat.laocai.gov.vn

Đánh thức tiềm năng du lịch

Nhiều khu vực có khí hậu mát mẻ, phong cảnh hoang sơ đẹp tựa chốn thần tiên, nét văn hóa đa dạng, Bát Xát được đánh giá là nơi hội tụ các yếu tố để trở thành vùng du lịch nổi tiếng thu hút du khách. Đến Bát Xát vào mùa nào trong năm, du khách cũng có thể được thỏa mình khám phá, tận hưởng vẻ đẹp của vùng đất này. Như một viên ngọc thô ráp còn ẩn giấu giữa đại ngàn, Bát Xát đẹp bốn mùa, xuân đầy sắc hoa đào hoa mận, hạ xanh như tấm thổ cẩm của những thửa ruộng bậc thang, thu vàng ruộm với sự ấm no của mùa gặt, đông là mùa của biển mây bồng bềnh như tiên cảnh. Tất cả tạo nên sức quyến rũ, mê hoặc kỳ lạ với bất kỳ ai khi đến với mảnh đất cổ tích này. Tuy nhiên, mảnh đất này vẫn chỉ được ví như “nàng công chúa ngủ quên”, chưa được đánh thức. Nhận thấy rõ điều đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Bát Xát đã đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch địa phương, nhất là khu vực các xã Y Tý, Dền Sáng, với tham vọng biến nơi này thành Sa Pa thứ 2 ở Lào Cai.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bát Xát cho biết, cùng với hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai mạnh mẽ, huyện Bát xát đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Huyện có 3 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận cấp quốc gia, các di tích, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được quản lý tốt, bước đầu khai thác thành sản phẩm du lịch đặc sắc.

Đặc biệt, công tác quản lý và tổ chức các lễ hội được quan tâm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, vừa tạo ra nét độc đáo thu hút du khách như: Lễ hội văn hóa các dân tộc, lễ hội Pút Tồng, lễ hội xuống đồng và Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc Mông... Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch đặc trưng, mới lạ được hình thành như: Du lịch leo núi, du lịch trải nghiệm, lễ hội mùa Thu... Nhờ hoạt động xúc tiến thúc đẩy du lịch, lượng khách đến với Bát Xát tăng mạnh qua từng năm. Năm 2018, lượng khách du lịch đến với Bát Xát đạt 31.000 lượt, doanh thu từ du lịch đạt 14 tỷ đồng. Tại nhiều nơi, người dân có thể làm giàu từ kinh doanh dịch vụ du lịch (nhà ở homstay, bán sản vật địa phương)...

Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Bà Giàng Thị Dung, Bí thư Huyện ủy Bát Xát cho biết, nhiều năm trở lại đây, nhờ hướng đi đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nên huyện Bát Xát đã tạo ra một số đột phá. Minh chứng rõ nhất là tỉ lệ hộ nghèo tại huyện vùng biên này giảm sâu qua từng năm. Trung bình mỗi năm địa phương này giảm từ 6-7% hộ nghèo, toàn huyện hiện chỉ còn trên 18% hộ nghèo. Con số này đạt 166% so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

Với nông nghiệp là thế mạnh, huyện tập trung phát triển lúa chất lượng cao, trồng rau an toàn, rau trái vụ, chè, cây dược liệu, chuối mô, mở rộng diện tích vùng trồng đao riềng... Đến nay, giá trị sản xuất trên một diện tích canh tác ước đạt 65 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, huyện Bát Xát còn liên kết với các doanh nghiệp để phát triển vùng sản xuất, tạo thành chuỗi sản xuất có giá trị kinh tế cao, được thị trường chấp nhận như: Rau an toàn khu vực Cốc San, Y Tý, Quang Kim, Bản Qua, rau trái vụ khu vực Y Tý, Trịnh Tường, Pa Cheo, Nậm Pung...

Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được địa phương chú trọng với việc thành lập Khu bảo tồn thiên thiên Bát Xát, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, gìn giữ các loại cây bản địa quý, có giá trị để đề xuất công nhận là cây di sản cấp quốc gia. Công tác trồng mới rừng hàng năm được quan tâm với tỷ lệ che phủ rừng đạt 57%. Dấu ấn lớn nhất tại huyện vùng biên này trong những năm qua không thể không nhắc tới đó là chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, nhất là phát huy vai trò chủ thể của người dân nên bộ mặt nông thôn ở Bát Xát đã có nhiều khởi sắc. Phong trào làm đường giao thông đã có sức lan tỏa lớn, giúp nhiều tuyến đường được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho việc giao thương, đi lại của đồng bào vùng cao. Đến hết năm 2019, dự kiến huyện Bát Xát sẽ có 9 xã về đích nông thôn mới và 1 xã nông thôn mới nâng cao, đạt bình quân 15,4 tiêu chí/xã.       

Bà Giàng Thị Dung cho biết thêm, do đặc thù là địa phương có đường biên giới dài giáp ranh với Trung Quốc, huyện Bát Xát đang cùng với phía bạn hợp tác phát triển kinh tế cửa khẩu. Địa phương cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn vốn của các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu. Vừa qua, Thủ tướng phê duyệt đề án mở rộng khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai với diện tích gần 16.000 ha, trong đó tập trung phát triển khu vực tuyến biên giới Bát Xát. Dự kiến, một cây cầu nữa bắc qua sông Hồng sẽ được xây dựng tại khu vực xã Bản Vược để tăng cường các hoạt động giao thương tại khu vực này.

Mặc dù được đánh giá là đạt dấu ấn trong phát triển kinh tế, nhưng Bát Xát vẫn còn rào cản khi nhiều xã vùng sâu, vùng xa, đời sống của người dân rất khó khăn. Tuy nhiên, với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định vai trò của Đảng bộ, chính quyền huyện Bát Xát thời gian qua là rất quan trọng trong việc làm thay đổi diện mạo theo chiều hướng tích cực của địa phương nơi biên giới với phần lớn dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Hồng Ninh

Có thể bạn quan tâm