Khởi sắc huyện nông thôn mới bên phá Tam Giang

Hợp tác xã Mây tre đan Bao la xã Quảng Phú giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Tường Vi - TTXVN
Hợp tác xã Mây tre đan Bao la xã Quảng Phú giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Huyện Quảng Điền nằm ven đầm phá Tam Giang được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới cấp huyện của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Với điểm xuất phát thấp nhưng nhờ phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng hưởng ứng của nhân dân, sau hơn 10 năm triển khai, huyện Quảng Điền vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Khởi sắc huyện nông thôn mới bên phá Tam Giang ảnh 1 Hợp tác xã Mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Khởi sắc vùng nông thôn bên phá Tam Giang

Đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2019, xã Quảng Thọ là một trong hai địa phương được huyện Quảng Điền chọn xây dựng mô hình điểm nông thôn mới nâng cao, đến nay xã đã có những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Địa phương đã thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp tăng thu nhập cho người dân bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, hình thành nhiều mô hình theo chuỗi giá trị; kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa trên địa bàn xã được xây dựng cơ bản hoàn thiện, theo hướng đa mục tiêu.

Khởi sắc huyện nông thôn mới bên phá Tam Giang ảnh 2Mô hình rau má hữu cơ tại xã Quảng Thọ giúp người dân nâng cao thu nhập. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, xã Quảng Thọ đã triển khai thí điểm mô hình "xã thông minh" từ tháng 3/2021. Để hỗ trợ người dân, xã đã đầu tư phòng quản lý điều hành thông minh, 7 điểm kết nối internet công cộng miễn phí; lắp đặt 21 camera an ninh để giám sát trên các trục chính tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn và các cơ quan, trường học với nhiệm vụ kết nối thông tin, dữ liệu, dịch vụ, hạ tầng toàn diện; lắp đặt trạm quan trắc không khí để thông báo tuyên truyền cho bà con. Xã đẩy mạnh tuyên truyền vận động bà con thực hiện xã hội số, đẩy mạnh thực hiện thanh toán các dịch vụ qua thẻ ngân hàng, thay cho thanh toán bằng tiền mặt. Xã đang triển khai lắp đặt các trạm quan trắc môi trường nước, để đánh giá được môi trường nước trong quá trình nuôi cá lồng để hạn chế thiệt hại trong thời kỳ biến đổi khí hậu hiện nay.

Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ Hoàng Công Phong cho biết, Quảng Thọ đã xây dựng cơ bản mô hình xã thông minh để thực hiện mục tiêu hoàn thiện chính quyền điện tử và hướng đến chính quyền số, hỗ trợ việc điều hành chính quyền cấp xã, hỗ trợ người dân tiếp cận các thủ tục hành chính liên quan đến với mức độ 3 và 4. Đồng thời, mô hình xã thông minh giúp chính quyền nắm bắt thông tin phản ánh hiện trường, cảnh báo thông tin về thời thiết giúp cho người dân chủ động các phương án phòng chống thiên tai, mưa bão; quảng bá sản phẩm du lịch; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản, đem lại lợi ích cho người dân, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị. Thành công từ mô hình này tạo chuyển biến tích cực trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, để Quảng Thọ phấn đấu được công nhận xã nông thôn mới nâng cao cuối năm 2022.

Khởi sắc huyện nông thôn mới bên phá Tam Giang ảnh 3Sản phẩm của HTX Mây tre đan Bao La (xã Quảng Phú) được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao, tạo cơ hội lớn nâng cao giá trị và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung cốt lõi trong chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện Quảng Điền đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ,...Nhiều mô hình sản xuất mới hiệu quả cao, nhiều cơ sở, hợp tác xã đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện được thành lập, tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Phát huy giá trị làng nghề đan lát, Hợp tác xã mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú không ngừng cải tiến mẫu mã đưa ra thị trường hơn 500 sản phẩm phục vụ nhu cầu hàng ngày và trang trí. Không chỉ có mặt tại các tỉnh, thành phố trong nước mà sản phẩm của hợp tác xã còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, với doanh thu hằng năm đạt khoảng 4,5 – 5,5 tỷ đồng. Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Bao La Võ Văn Dinh cho biết, các nghệ nhân của hợp tác xã không ngừng sáng tạo nhiều mẫu mã mới để phục vụ nhu cầu, nhất là đồ trang trí như lồng đèn, túi xách, đèn trang trí và các vật dụng phục vụ trong các khách sạn, nhà hàng; trung bình mỗi năm hợp tác xã đưa ra thị trường 30 – 40 mẫu mới. Đặc biệt, bộ sản phẩm đèn trang trí, rổ, rá của Hợp tác xã được tỉnh Thừa Thiên – Huế công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao, tạo cơ hội lớn nâng cao giá trị, có chỗ đứng ổn định trên thị trường, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Hiện, Hợp tác xã có 80 lao động thường xuyên, với mức lương cơ bản từ 3,5 – 4,5 triệu đồng /tháng.

Khởi sắc huyện nông thôn mới bên phá Tam Giang ảnh 4Khai thác tiềm năng lợi thế đầm phá Tam Giang để phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Năm 2010 khi mới bắt tay xây dựng nông thôn mới, huyện Quảng Điền có những tiêu chí rất thấp so với 19 tiêu chí nông thôn mới theo Bộ tiêu chí Quốc gia. Huyện có đến 7 xã khó khăn thuộc vùng bãi ngang ven biển, hầu hết các xã chỉ đạt 5 - 9 tiêu chí/19 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 12,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 15,86%.

Bí thư huyện ủy Quảng Điền Trần Quốc Thắng chia sẻ, mặc dù xuất phát điểm của huyện khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới khá thấp lại là địa bàn thường xuyên gánh chịu thiên tai nhưng với sự đồng lòng, nỗ lực của nhân dân và cả hệ thống chính trị, sau hơn 10 năm, bộ mặt của huyện đã khởi sắc rất nhiều. Cơ sở hạ tầng sản xuất, hạ tầng giao thông được xây dựng mới tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất và nâng cao cuộc sống người dân. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vững mạnh, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương được giữ vững. Toàn huyện có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 5%; 100% xã bãi ngang thoát khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng ven biển và hải đảo; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 38 triệu đồng/năm. Huyện Quảng Điền đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 tại Quyết định số 560/QĐ-TTg ngày 9/5/2022.

Khởi sắc huyện nông thôn mới bên phá Tam Giang ảnh 5Bộ mặt nông thôn Quảng Điền ngày càng khởi sắc. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Hướng đến mục tiêu huyện nông thôn mới nâng cao

Hành trình hơn 10 năm nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Quảng Điền đã huy động nguồn lực gần 3.500 tỷ đổng. Đặc biệt, việc huy động người dân và cộng đồng dân cư đóng góp xây dựng nông thôn mới được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, không có tình trạng huy động quá sức dân. Đa số người dân trên địa bàn huyện Quảng Điền đã nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới.

Khởi sắc huyện nông thôn mới bên phá Tam Giang ảnh 6Văn phòng điều hành mô hình xã thông minh tại xã Quảng Thọ đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Ông Trần Quốc Thắng, Bí thư Huyện ủy Quảng Điền khẳng định, được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới là kết quả từ nỗ lực cố gắng của toàn thể người dân và cả hệ thống chính trị. Nhưng ấn tượng nhất là sự chung sức, đồng lòng ủng hộ của người dân nên công cuộc xây dựng nông thôn mới diễn ra thuận lợi, làm đổi thay toàn diện đời sống. 10 năm qua, ngoài nguồn lực hỗ trợ của trung ương, tỉnh, người dân trên địa bàn đã tự nguyện hiến hơn 176.000m2 đất, 60.000 cây các loại, 7.000m3 khối đất đá, 700 m2 tường rào, công trình phụ và đóng góp ngày công lao động đạt 30,8 tỷ đồng.

Nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, UBND huyện Quảng Điền chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo quy định; phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người trên 60 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên 65%.

Khởi sắc huyện nông thôn mới bên phá Tam Giang ảnh 7Bộ mặt nông thôn Quảng Điền ngày càng khởi sắc. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Theo Bí thư Huyện ủy Trần Quốc Thắng, thời gian tới huyện đẩy mạnh thực hiện 2 chương trình trọng điểm, gồm chương trình nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chương trình phát triển dịch vụ du lịch của huyện. Để thực hiện thành công 2 chương trình đó, huyện đã xây dựng 2 đề án gồm đề án chuyển đổi số và đề án phát triển du lịch huyện Quảng Điền đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung nguồn lực để phát triển đô thị ở trung tâm các xã, thị trấn; phát triển hạ tầng sản xuất, hạ tầng phục vụ du lịch, hạ tầng giao thông và các công trình phục vụ dân sinh; đẩy mạnh các mô hình sản xuất theo hướng chất lượng nhằm tạo ra sự đa dạng hóa sản phẩm gắn với việc khai thác gìn giữ các giá trị văn hóa của địa phương… Qua đó ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của huyện. Đây sẽ là tiền đề để Quảng Điền xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao trong thời gian đến.

Tường Vi

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm