Khởi nghiệp từ nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Tiền Giang

Anh Trần Quốc Bảo thu hoạch nấm mối đen. Ảnh: Hữu Chí – TTXVN
Anh Trần Quốc Bảo thu hoạch nấm mối đen. Ảnh: Hữu Chí – TTXVN

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Tiền Giang Nguyễn Thành Luân cho biết, thực hiện Đề án “Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019-2022”, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Nhiều đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khởi nghiệp từ nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Tiền Giang ảnh 1Anh Bảo tưới nước để giữ độ ẩm cho phôi nấm phát triển. Ảnh: Hữu Chí – TTXVN

Quá trình triển khai thực hiện, phong trào khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có nhiều khởi sắc, trong đó có những dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu như: Dự án “Trồng na Thái” của bạn Đoàn Chí Hữu ở huyện Cái Bè; dự án “Nuôi chồn hương” của bạn Phan Lê Thúy Vi tại huyện Tân Phước; dự án “Trồng rau sạch công nghệ cao ứng dụng phương pháp thủy canh hồi lưu” của bạn Huỳnh Thanh Triều ở huyện Gò Công Tây; dự án “Xử lý phân chuồng tại gốc thanh long bằng chế phẩm sinh học” của bạn Nguyễn Hồng Thái tại thành phố Mỹ Tho…

Khởi nghiệp từ nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Tiền Giang ảnh 2 Đoàn viên, thanh niên ở địa phương tham quan, học hỏi mô hình trồng nấm mối đen của anh Trần Quốc Bảo. Ảnh: Hữu Chí – TTXVN

Hưởng ứng phong trào thanh niên khởi nghiệp do Tỉnh Đoàn Tiền Giang phát động, anh Đoàn Chí Hữu, Bí thư Chi Đoàn ấp Mỹ Chánh B, xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè mạnh dạn mua giống na Thái (còn gọi là na hoàng hậu - có người gọi mãng cầu dai) về trồng trên 6.000 m2 đất vườn của gia đình. Trong quá trình chăm sóc, anh tìm hiểu phương pháp vun gốc, bón phân và phun thuốc trừ sâu bệnh để cho cây sinh trưởng, phát triển tốt. Qua 2 năm chăm sóc, vườn na Thái của anh Hữu phát triển tốt và bắt đầu cho lứa thu hoạch đầu tiên. Giá na Thái hiện nay trên thị trường cao gấp 2-3 lần trái na truyền thống (giống na trong nước), dao động từ 40.000/kg trở lên, thậm chí lên đến trên 100.000 đồng/kg (loại I) vào dịp lễ, Tết. Với sản lượng từ 1-1,2 tấn cùng giá bán dao động từ 40.000 - 42.000 đồng/kg, anh Hữu thu lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng/năm.

Khởi nghiệp từ nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Tiền Giang ảnh 3Sau khi ủ phôi 45 ngày, giàn nấm mối đen của anh Trần Quốc Bảo bắt đầu cho thu hoạch. Ảnh: Hữu Chí – TTXVN

Anh Võ Linh Phong, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè nhận xét, nhờ ham học hỏi, nỗ lực khởi nghiệp, bạn Đoàn Chí Hữu đã thành công với mô hình trồng na Thái và được chọn thí điểm để nhân rộng cho các đoàn viên khác trong xã. Huyện Đoàn Cái Bè tổ chức cho đoàn viên, thanh niên trong huyện tham quan mô hình này để học tập. Trước mắt, bạn Hữu đã và đang kết hợp cùng một số đoàn viên khác nhân rộng diện tích trồng na Thái, đồng thời liên kết với các siêu thị trong tỉnh để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã.

Khởi nghiệp từ nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Tiền Giang ảnh 4 Anh Trần Quốc Bảo thu hoạch nấm mối đen. Ảnh: Hữu Chí – TTXVN

Tại huyện Tân Phước, đoàn viên Phan Lê Thúy Vi (ấp Hưng Quới, xã Hưng Thạnh) đã khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi chồn hương. Năm 2018, qua giới thiệu của người bạn, chị mua một cặp chồn hương về nuôi kiểng. Sau quá trình chăm sóc và tìm hiểu trên mạng internet, chị Vi thấy mô hình này có thể cho thu nhập cao nên mua thêm 5 con giống về nuôi. Sau thời gian nuôi hiệu quả, chị đã phát triển đàn chồn hương lên đến 40 con giống và trưởng thành. Với giá chồn hương hiện nay dao động từ 1,6 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng/kg, mỗi năm, chị Vi thu nhập từ bán chồn hương là trên 100 triệu đồng.

Khởi nghiệp từ nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Tiền Giang ảnh 5Phòng đặt giàn trồng nấm mối đen của anh Trần Quốc Bảo được lắp đặt máy lạnh và hệ thống làm mát. Ảnh: Hữu Chí – TTXVN

Kinh nghiệm của chị Vi là chú trọng cách chăm sóc, áp dụng đúng kỹ thuật về vệ sinh chuồng trại, chế độ ăn uống để phòng bệnh cho chồn hương. Nhờ chăm sóc tốt, chồn hương giống và thương phẩm của chị Vi đạt tiêu chuẩn, nhiều người tìm đến đặt mua.

Theo lãnh đạo xã Hưng Thạnh, mô hình nuôi chồn hương của chị Vi vừa đảm bảo tính hợp pháp (có giấy phép của ngành chức năng) vừa đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh khu vực nuôi. Đặc biệt, chị Vi sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho bà con…

Khởi nghiệp từ nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Tiền Giang ảnh 6Anh Trần Quốc Bảo (phải) sơ chế nấm mỗi đen. Ảnh: Hữu Chí – TTXVN

Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Tiền Giang Nguyễn Thành Luân, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế, phát huy ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, hưởng ứng phong trào lập thân, lập nghiệp của thanh niên. Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc của đoàn viên, thanh niên trong quá trình thực hiện, đặc biệt là nhu cầu về hỗ trợ vốn và các cơ chế, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên khởi nghiệp hiệu quả.

Hữu Chí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm