Khởi công dự án xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Nam Pleiku

Ngày 25/7, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp Nam Pleiku (thôn Khối Zố, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê). Việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung là tiền đề sớm đưa khu công nghiệp Nam Pleiku đi vào hoạt động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Khoi cong du an xu ly nuoc thai tap trung khu cong nghiep Nam Pleiku hinh anh 1Lễ Khởi công Dự án xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Nam Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ảnh: TTXVN phát

Nhà máy xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Nam Pleiku được thiết kế xây dựng giai đoạn 1 với công suất 2.000 m3/ngày đêm, sử dụng công nghệ hiện đại bao gồm xử lý hoá lý kết hợp với xử lý sinh học, thân thiện với môi trường (Smart và Greend).

Với công nghệ này sẽ đảm bảo nhà máy luôn vận hành ổn định và hệ số an toàn được thiết kế là 120%. Đồng thời, sẽ giúp đơn giản hóa trong quá trình kiểm soát vận hành, hạn chế thấp nhất các sự cố có thể xảy ra. Chất lượng nước thải khi xả ra môi trường luôn đạt theo tiêu chuẩn quy chuẩn Việt Nam 40:2011- cột A. Tổng vốn đầu tư cho dự án hơn 32,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhà máy xử lý nước thải tập trung còn được xây dựng thêm một hồ sự cố với thể tích chứa 8.000 m3 để phục vụ công tác ứng cứu sự cố.

Đặc biệt, toàn bộ quá trình xử lý, chất lượng nước sau xử lý được quan trắc tự động và kiểm soát online. Các thông số quan trắc được kết nối về Trung tâm Quan trắc môi trường của tỉnh để theo dõi.

Khu công nghiệp Nam Pleiku, tỉnh Gia Lai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào tháng 9/2019 với quy mô diện tích gần 200 ha, tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng, do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam làm chủ đầu tư. Thời hạn thực hiện của dự án là 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Theo mục tiêu của dự án dự kiến vừa đầu tư xây dựng hạ tầng trong năm đầu tiên và tiến hành cho thuê hạ tầng ở năm kế tiếp. Thời gian lấp đầy khu công nghiệp trong vòng 5 năm, bắt đầu cho thuê từ năm 2022.

Tuy nhiên, đến nay khu công nghiệp Nam Pleiku mới chỉ dừng ở việc hoàn thiện các hạng mục hạ tầng cơ bản như hệ thống giao thông, thoát nước ngoại biên; hệ thống cấp nước phòng cháy chữa cháy và các công trình điện, đường trong khu công nghiệp… với tổng vốn đầu tư đến ngày 30/6/2023 hơn 55,8 tỷ đồng. Hiện tại, vẫn chưa có doanh nghiệp nào vào thực hiện đầu tư xây dựng nhà máy, xưởng hoạt động trong khu công nghiệp.

Để sớm đưa khu công nghiệp Nam Pleiku đi vào hoạt động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế đề nghị Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh Gia Lai phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghiệp Nam Pleiku tập trung cải cách các thủ tục hành chính công, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục, tạo điều kiện cho phía doanh nghiệp sớm đưa khu công nghiệp đi vào hoạt động.

Quang Thái

Tin liên quan

Hiệu quả từ công nghệ "hô biến" nước thải thành nước sạch của Singapore

Từng phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn nước sạch, Singapore đã có những phương pháp thông minh và thực sự hiệu quả để có thể vừa giải quyết vấn đề khan hiếm nguồn nước vừa bảo vệ môi trường. Những chiếc máy bơm khổng lồ được lắp đặt sâu dưới lòng đất tại một nhà máy ở Singapore đã giúp “hô biến” nước thải thành nước sạch, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của con người đồng thời giảm ô nhiễm đại dương.


Kon Tum tập trung xây dựng hệ thống xử lý nước thải loại A

Thời gian qua, vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động ở các nhà máy sản xuất tinh bột sắn, chế biến mủ cao su trên địa bàn tỉnh Kon Tum diễn ra đáng báo động, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống của người dân. Trước thực trạng trên, Kon Tum đang nỗ lực tìm mọi giải pháp, trong đó tập trung xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt loại A tại tất cả các nhà máy sản xuất, kinh doanh có tác động đến môi trường.


Chia sẻ kinh nghiệm quản lý thoát nước và xử lý nước thải

Ngày 15/6, UBND thành phố Cần Thơ phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý thoát nước và xử lý nước thải. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Sở Xây dựng 7 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Trà Vinh, Quảng Ngãi, An Giang, Khánh Hòa, Bình Định và Sóc Trăng.



Đề xuất