Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau

Khu vực Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao. Ảnh: Thế Anh-TTXVN
Khu vực Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao. Ảnh: Thế Anh-TTXVN

Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau vừa đồng ý chủ trương cho Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tiếp nhận kinh phí hỗ trợ do Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia vận động gây quỹ từ cộng đồng và các doanh nghiệp trong nước để thực hiện dự án khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng tại khu vực khoảnh 1 (Tiểu khu IVB), khoảnh 2, 3, 4 (Tiểu khu IIIB) thuộc địa giới hành chính xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển và khu vực khoảnh 4, 5 (Tiểu khu IIB ) thuộc địa giới hành chính xã Viên An, huyện Ngọc Hiển. Cùng với đó, dự án tăng cường hoạt động truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về công tác bảo tồn thiên nhiên, nhất là nắm rõ vai trò, ý nghĩa của rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau.

Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau ảnh 1Khu vực Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao. Ảnh: Thế Anh-TTXVN

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, UBND tỉnh giao Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm Gaia và các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức các biện pháp lâm sinh, khoanh nuôi, bảo vệ, xúc tiến tái sinh tự nhiên; thực hiện các thủ tục cần thiết và tổ chức quản lý, sử dụng nguồn kinh phí công khai, minh bạch, đúng mục đích theo đúng quy định của pháp luật.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia thực hiện báo cáo đúng theo quy định, đăng công khai trên website của Trung tâm Gaia và của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tổng số kinh phí, danh sách, số tiền từng tổ chức, cá nhân tài trợ ủng hộ cho thực hiện công tác tái khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Liên quan đến nội dung trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh nội dung tham mưu đề nghị của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia về việc thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng với diện tích 150 ha tại khu vực bãi bồi ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Cụ thể, dự án khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng được thực hiện tại khu vực khoảnh 1 (Tiểu khu IVB), khoảnh 2, 3, 4 (Tiểu khu IIIB) và khoảnh 4, 5 (Tiểu khu IIB) thuộc Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Dự án khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên giai đoạn 2 ở khu vực bãi bồi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được triển khai thực hiện từ năm 2022-2030, với tổng kinh phí dự kiến là gần 6,8 tỷ đồng do Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia vận động gây quỹ. Nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng cho hoạt động thực hiện khoanh nuôi tái sinh và hoạt động truyền thông giáo dục cải thiện hiệu quả hoạt động khoanh nuôi tái sinh tự nhiên rừng trên địa bàn xã Đất Mũi, xã Viên An thuộc huyện Ngọc Hiển; xã Đất Mới, xã Lâm Hải thuộc huyện Năm Căn; xã Nguyễn Việt Khái thuộc huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết từ năm 2020, UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tiếp nhận nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia để thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng tại bãi bồi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau với khoảng 50 ha. Theo kết quả đánh giá của cơ quan chức năng, việc này đã mang lại hiệu quả cao, góp phần gia tăng diện tích rừng, tăng độ che phủ rừng của tỉnh.

Đây được xem là hoạt động có ý nghĩa trong việc chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu kết hợp với nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong khu vực về vai trò, ý nghĩa của rừng ngập mặn. Do đó, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cho phép tiếp tục duy trì, mở rộng diện tích thực hiện dự án khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên giai đoạn 2, từ năm 2022-2030.

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển của thế giới. Năm 2012, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được Tổ chức Môi trường thế giới công nhận là khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới và là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam, đây là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.

Vườn có tổng diện tích gần 42.000 ha thuộc địa phận huyện Ngọc Hiển và huyện Năm Căn. Nơi đây là vùng đất lý tưởng để bảo tồn, phát triển nhiều loài chim quý hiếm và các loài động, thực vật khác.

Kim Há

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm