Khoảng 2 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi

Khoảng 2 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi
Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) vẫn tập trung cao ở những nơi khó khăn như Tây Nguyên, trung du và miền núi phía Bắc với tỷ lệ SDD thấp còi tương ứng là 34,2% và 30,3%, nhẹ cân là 21,6% và 19,5%. Tỷ lệ SDD thể thấp còi, nhẹ cân ở khu vực nông thôn; đặc biệt là các xã nghèo luôn cao hơn so với khu vực thành thị”, PGS.TS Lê Thị Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng, cho biết chiều 11/10, tại Hà Nội.
 
Khoảng 2 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi ảnh 1
Nhân viên y tế truyền thông dinh dưỡng cho người dân bản Canh, xã Nga My, huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là nhiều bà mẹ trước khi sinh con, trước khi lập gia đình chưa được trang bị kiến thức về dinh dưỡng trong quá trình mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung… Quá trình thực hành dinh dưỡng, chăm sóc trẻ vì vậy chưa đúng khoa học, dẫn đến SDD.

Để cải thiện tình trạng SDD ở trẻ nhỏ nói riêng và đảm bảo dinh dưỡng cho người dân nói chung, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo: “Bữa ăn cần đa dạng từ nhiều loại thực phẩm, thay đổi cách chế biến đa dạng đảm bảo đủ dinh dưỡng, hợp lý và an toàn cho sức khỏe. Các gia đình hãy phát triển vườn - ao - chuồng để tăng thu nhập, tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn, giàu dinh dưỡng”.

“Bữa ăn đa dạng đảm bảo đủ dinh dưỡng, hợp lý, an toàn cho gia đình trong tình hình biến đổi khí hậu” cũng là thông điệp chính của Chiến dịch truyền thông hưởng ứng Tuần lễ "Dinh dưỡng và phát triển" (từ 16-23/10) do Bộ Y tế phát động nhằm hưởng ứng ngày Lương thực Thế giới năm nay (16/10).

Theo đó, hoạt động truyền thông tập trung vào các nội dung như: Nâng cao kiến thức, thực hành dinh dưỡng cho người dân trong việc lựa chọn, chế biến và sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm an toàn, sẵn có tại gia đình, địa phương, tổ chức bữa ăn gia đình đảm bảo đủ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường hoạt động thể lực phòng chống thừa cân béo phì...; Phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của biến đổi khí hậu, thay đổi cơ cấu cây trồng, kỹ thuật thâm canh, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản để thích ứng với tình hình mới; Hướng dẫn, vận động, khuyến khích người dân chủ động phát triển vườn - ao - chuồng gia đình gắn liền với ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Tăng cường các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú...

Có thể bạn quan tâm