Khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP

Quả vải thiều Bắc Giang chinh phục thị trường Nhật Bản. Ảnh: Danh Lam-TTXVN
Quả vải thiều Bắc Giang chinh phục thị trường Nhật Bản. Ảnh: Danh Lam-TTXVN

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, góp phần hát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Chương trình OCOP được thực hiện nhằm giúp định hướng xây dựng các mô hình sản xuất sản phẩm hàng hóa gắn với thị trường đầu ra bền vững, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP ảnh 1Quả vải thiều Bắc Giang chinh phục thị trường Nhật Bản. Ảnh: Danh Lam-TTXVN

 Hình thành nhiều sản phẩm OCOP đặc thù địa phương

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Chương trình OCOP phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực gắn với đơn vị làng, xã để tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, ngành nghề, dịch vụ nông thôn có lợi thế; gắn với văn hóa, truyền thống ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị.

Sau 3 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, đã có 72% trong số hơn 6.000 sản phẩm OCOP trên toàn quốc tham gia chương trình được công nhận 3 sao trở lên (vượt 1,86 lần so với mục tiêu). Những con số đầy ấn tượng cho thấy sức lan tỏa của một chương trình quốc gia đang tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Trong đó, Hội đồng OCOP quốc gia tổ chức đánh giá, phân hạng cho 43 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao được các địa phương đăng ký. Đóng góp các sản phẩm OCOP có các hợp tác xã (chiếm 38,3%), doanh nghiệp (chiếm 27,5%), cơ sở sản xuất (chiếm 31,5%) và số ít từ các tổ hợp tác. Các chủ thể của các sản phẩm OCOP cũng đã đóng góp tới 16,5% trong tổng số nguồn vốn 22.845 tỷ đồng triển khai Chương trình OCOP.

Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. Đã có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý như chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì (Hà Giang); chè Tân Cương (Thái Nguyên); cà phê (Sơn La), lúa gạo (Sóc Trăng, An Giang)…; hình thành 393 chuỗi giá trị OCOP hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của hợp tác xã và doanh nghiệp.

Cùng với chương trình OCOP, giai đoạn 2018-2020, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ nông dân quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho đặc sản của địa phương dưới các hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao giá trị các nông sản gắn với địa danh. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 517 đơn nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý liên quan đến các ngành nghề nông nghiệp nông thôn, trong đó 337 nhãn hiệu tập thể; 165 nhãn hiệu chứng nhận và 15 chỉ dẫn địa lý hình thành các sản phẩm OCOP.

Việc khai thác các thương hiệu (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) giúp các sản phẩm OCOP phát huy được giá trị cộng đồng, góp phần thúc đẩy việc bảo hộ các sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với những thương hiệu của địa phương. Trong giai đoạn tới, Chương trình OCOP sẽ có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP gắn với vai trò và phát huy giá trị của các thương hiệu địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP

Triển khai Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020 và thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông; văn hóa thể thao và du lịch; nông nghiệp và phát triển nông thôn... các địa phương đã hình thành, xây dựng và phát triển được nhiều sản phẩm OCOP đặc thù địa phương gắn với thúc đẩy chuyển đổi số. Đồng thời, gắn kết sản phẩm OCOP trong phát triển du lịch, thúc đẩy chuyển đổi số với mục tiêu để nâng cao hiệu quả sản phẩm OCOP cũng như góp phần để người dân tiếp cận được sản phẩm qua nhiều hình thức, thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị...

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương nhấn mạnh: Trong khung chương trình và giải pháp thúc đẩy Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 đặt ra là đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo đó, giai đoạn 2021-2025 tập trung xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình chấm điểm, phân hạng sản phẩm; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP gắn với giám sát-chứng thực của công tác quản lý nhà nước; thúc đẩy hệ thống thương mại điện tử OCOP, hình thành các sàn thương mại điện tử quy mô lớn, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng trực tiếp, đặc biệt là với các sản phẩm thủ công, sản phẩm đặc sản của địa phương.

Cùng với đó, nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP thông qua việc xây dựng các trung tâm khởi nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP gắn với chương trình khởi nghiệp, quảng bá, giới thiệu và thương mại sản phẩm OCOP ở các vùng, miền trên cả nước, nhằm thu hút sự tham gia của các chủ thể, kết nối du lịch; Xây dựng tiêu chí, tổ chức nâng cao năng lực và quản lý mạng lưới tư vấn nhằm xây dựng mạng lưới tư vấn Chương trình OCOP chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, năng lực toàn diện, đoàn kết và thống nhất trong hỗ trợ triển khai chương trình trên cả nước. Nâng cao năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo nghề cho lao động gắn với ngành nghề OCOP, bổ sung các quy định về đào tạo nghề (khung đào tạo nghề, độ tuổi học nghề…) phù hợp với phát triển sản phẩm OCOP.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhấn mạnh: "Chuyển đổi số - Sở hữu trí tuệ - Du lịch - OCOP" sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các sản phẩm thế mạnh địa phương. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới, thúc đẩy khai thác các quyền sở hữu trí tuệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch... sẽ tạo ra những cơ hội, đưa nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đầy thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo ra những cơ hội, đưa nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống.

Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 cũng đặt ra nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm để thúc đẩy vấn đề chuyển đổi số, sở hữu trí tuệ, tập trung đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, khởi nghiệp... góp phần phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm trong chương trình OCOP giai đoạn tới.

HL

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm