Kho thóc khuyến học ở Trạm Tấu

Kho thóc khuyến học ở Trạm Tấu

"Kho thóc khuyến học" được hình thành ở xã Trạm Tấu vào năm 2011. Ban đầu, xã phát động nhân dân mỗi hộ góp 15 kg thóc/năm để ủng hộ những học sinh khó khăn trong xã, để các em vững bước tới trường. Đảng viên, cán bộ công chức, giáo viên gương mẫu đóng góp tiền và thóc gạo trước. Qua mỗi ngày, kho thóc lại đầy thêm, đặc biệt là sau mỗi vụ gặt. 

Kho thóc khuyến học ở Trạm Tấu ảnh 1

Nhân dân xã Túc Đán ủng hộ kho thóc khuyến học 

Kho thóc gạo ấy được giao cho trường học tự quản, chia cho những em gặp hoàn cảnh quá khó khăn, những em không nằm trong diện được hưởng chế độ bán trú. Từ đây, học sinh được ăn trưa tại trường, không còn cảnh sau giờ học các em lặn lội về nhà ăn cơm, hay tự nấu cơm ăn nữa. Tình trạng bỏ học vì thế mà giảm hẳn. 

Ông Giàng A Hành, Bí thư Đảng ủy xã Trạm Tấu cho biết:

- Từ khi xây dựng kho thóc khuyến học thì chúng tôi thấy tỷ lệ học sinh chuyên cần tăng cao. Trước kia, chỉ 80-85%. Khi thực hiện kho thóc khuyến hỗ trợ cho các cháu thì lên đến 95%, các cháu đi học đều, không nghỉ học nữa.

  Kho thóc khuyến học ở Trạm Tấu ảnh 2

Học sinh Trường bán trú tiểu học và THCS xã Trạm Tấu nhận thóc từ “Kho thóc khuyến học”

Sau xã Trạm Tấu, mô hình "Kho thóc khuyến học" được hình thành ở các xã Hát Lừu, Bản Công, Bản Mù… rồi nhân rộng ra tất cả các xã trong huyện Trạm Tấu. Không chỉ cán bộ, đảng viên và nhân dân đóng góp, mà nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài huyện cũng ủng hộ. Chỉ tính trong năm 2013, toàn huyện đã nhận được hơn 8,3 tấn thóc và hơn 207 triệu đồng ủng hộ vào các "Kho thóc khuyến học", hỗ trợ có hiệu quả cho các em học sinh khó khăn. 

"Kho thóc khuyến học" thực sự đã trở thành một chỗ dựa cho các em học sinh khó khăn. Có sự hỗ trợ từ "Kho thóc khuyến học", phụ huynh không còn phải lo lắng nhiều về cái ăn cho con em khi về trường học nữa, vì vậy không còn bắt con em bỏ học ở nhà lao động. Học sinh thì không còn đói bụng trong các giờ học. Tỷ lệ học sinh ra lớp hàng năm vì thế đạt 98%. Hiện nay ở Trạm Tấu, mọi học sinh tiểu học học tiếp trung học cơ sở, khoảng 70% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được học tiếp trung học phổ thông.

Chị Lò Thị Xuân, ở xã Hát Lừu, phấn khởi:

- Từ ngày có “Kho thóc khuyến học” tôi thấy phấn khởi lắm. Vào lúc giáp hạt con mình vẫn có cái ăn, không phải nghỉ học ở nhà nữa. Chúng tôi ở đây cứ đến vụ gặt là gọi nhau đi đóng góp thóc, ai cũng tự nguyện vì khi có “Kho thóc khuyến học” rồi thì con mình đi học cũng yên tâm hơn.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm