Khó mở rộng mô hình bác sĩ gia đình

Khó mở rộng mô hình bác sĩ gia đình
Nhiều vướng mắc
Theo báo cáo của Bộ Y tế, giai đoạn 2013 - 2015, 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế, Thái Nguyên, Khánh Hòa và Tiền Giang đã triển khai thí điểm phòng khám BSGĐ. Đến nay, các tỉnh, thành phố này đã thành lập được 240 phòng khám theo mô hình này, trong đó 114 là trạm y tế (TYT) có lồng ghép bổ sung nhiệm vụ của phòng khám BSGĐ, 4 phòng khám BSGĐ tư nhân độc lập. Bước đầu, các phòng khám BSGĐ tư nhân độc lập đã cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, việc triển khai BSGĐ tại các TYT lại không được như vậy.
Khó mở rộng mô hình bác sĩ gia đình ảnh 1
Bộ Y tế kiểm tra việc triển khai mô hình bác sĩ gia đình tại Hà Nội.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Cầu Giấy Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết: “Khó khăn nhất hiện nay là người dân chưa hiểu hết về lợi ích của mô hình BSGĐ nên không tham gia đăng ký quản lý sức khỏe. Khi đi khám chữa bệnh, vướng mắc trong việc thanh toán BHYT trái tuyến cũng là một trở ngại không nhỏ”.
BS Phạm Quang Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, cho biết, khó khăn của mô hình BSGĐ tại địa phương còn là thiếu kinh phí để in hồ sơ bệnh án, biểu mẫu, sổ sách, tờ rơi tuyên truyền. Đến nay, vẫn chưa có chế độ đãi ngộ cho các BSGĐ, đặc biệt là cơ chế tài chính và cơ chế chuyển tuyến thống nhất từ trên xuống dưới.
Đại điện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện tại thành phố có 136/319 TYT phường, xã đã thành lập phòng khám BSGĐ do bác sĩ có chuyên môn về y học gia đình phụ trách. Như vậy, đến nay đã có hơn 43% số TYT phường xã đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là nhân sự để thành lập phòng khám BSGĐ. Thế nhưng, sau một thời gian triển khai mô hình BSGĐ ở TYT, vẫn còn rất nhiều vướng mắc cần phải được tháo gỡ.
“Dù đã tuyên truyền nhưng hầu như người dân vẫn chưa biết nhiều đến mô hình khám BSGĐ, đa số đều nghĩ rằng BSGĐ là bác sĩ phải đến tận nhà khám. Việc chưa có phần mềm liên thông giữa BSGĐ tại TYT với bệnh viện tuyến quận cũng là một hạn chế của mô hình”, BS Trương Đoan Hạnh, Phòng khám BSGĐ tại TYT phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, chia sẻ.
Theo TS Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế hiểu rõ một số vướng mắc trong quá trình triển khai mô hình phòng khám BSGĐ như: Chưa có giá dịch vụ đặc thù của phòng khám BSGĐ, thanh toán BHYT còn khó khăn, chưa có hướng dẫn cách thức thanh toán, việc kê đơn thuốc, thanh toán tiền thuốc của phòng khám BSGĐ tư nhân; chưa có quy định chuyển tuyến y học gia đình… Mặc dù vậy, ngành y tế vẫn quyết tâm thực hiện nhằm đưa mô hình BSGĐ đến gần người dân hơn.
Cần thêm cơ chế
Để tiếp tục duy trì, phát triển kết quả giai đoạn 2013 - 2015 và chuẩn bị cho kế hoạch phát triển mô hình phòng khám BSGĐ, TS Nguyễn Quý Tường cho biết, Bộ Y tế đã yêu cầu 8 tỉnh, thành phố đã triển khai thí điểm mô hình phòng khám BSGĐ giai đoạn 2013 - 2015 phải tiếp tục duy trì kết quả, đồng thời có kế hoạch và triển khai nhân rộng mô hình tại địa phương. Đối với những địa phương chưa triển khai, các Sở Y tế thành lập hoặc báo cáo Chủ tịch tỉnh để thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch nhân rộng, phát triển mô hình phòng khám BSGĐ giai đoạn 2016 - 2020.
“Trong khi chờ thêm các quy định của Bộ Y tế, các Sở Y tế có thể hướng dẫn thực hiện thí điểm việc chuyển tuyến từ phòng khám BSGĐ lên bệnh viện tuyến trên phù hợp với tình hình bệnh tật của người bệnh… Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo người hành nghề y học gia đình, ưu tiên đào tạo các bác sỹ đa khoa công tác ở TYT xã. Trong năm 2016 phải đào tạo được 100% các bác sỹ xã được học về y học gia đình theo chương trình 3 tháng”, TS Trần Quý Tường nhấn mạnh.
Đối với 3 thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong 6 tháng đầu năm 2016, cần lựa chọn một số đơn vị, kể cả phòng khám BSGĐ tư nhân để xây dựng mô hình phòng khám BSGĐ hoàn chỉnh, làm điển hình nhân rộng tại địa phương. Công tác truyền thông về y học gia đình cũng cần được đẩy mạnh.
Thời gian tới, ngoài việc củng cố, phát triển các đơn vị đào tạo y học gia đình đã có, Bộ Y tế sẽ tiếp tục thành lập mới các đơn vị đào tạo chuyên ngành này. Mặt khác, Bộ sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho những người hành nghề tại các phòng khám BSGĐ thuộc mô hình thí điểm, đề xuất chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực cho chuyên ngành y học gia đình.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm