Khó khăn về cơ sở vật chất cho giáo dục ở Tà Tổng

Khó khăn về cơ sở vật chất cho giáo dục ở Tà Tổng
Màn đêm buông xuống, mây mù bao phủ, trời đông Tà Tổng buốt lạnh. Sau bữa cơm tối, các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Ngà, xã Tà Tổng lại tập trung dưới gầm nhà sàn ôn tập bài. Tiếng thầy cô hướng dẫn, trò đọc bài vang vang một góc rừng.
Lớp ôn bài dưới gầm sàn của học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ngà. Ảnh: Quang Duy – TTXVN
Lớp ôn bài dưới gầm sàn của học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ngà. Ảnh: Quang Duy – TTXVN
Trước khi vào xã Tà Tổng, huyện Mường Tè  để tìm hiểu đời sống của các thầy cô giáo, học sinh, bà Lý Mỹ Ly, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết: Đây là xã đặc biệt khó khăn, giao thông cách trở, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn. Số lượng học sinh về trung tâm bán trú ngày một đông, nhưng trường lớp, chỗ ăn ở, công trình phụ trợ thì tạm bợ, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại trà. Cả thầy và trò đang gồng mình, khắc phục khó khăn để chờ ngày được đầu tư xây dựng trụ sở, chỗ ăn ở khang trang, kiên cố và sạch đẹp… Sau giờ ôn bài, các em về phòng ngủ, chỉ 10 - 15 m2 nhưng có khoảng 25 em ở chen chúc, chật chội. Học sinh về ở bán trú ngày một tăng, thầy cô giáo và phụ huynh lại tìm đất san nền, dựng phòng tạm cho con em ở. Các em có chỗ che nắng che mưa, kê chiếc giường để ngủ là sự cố gắng của thầy cô, phụ huynh. Chỉ lo phòng ở tạm bợ ván, mái tôn không thể chống chọi với mưa to, gió lớn đổ về… Các thầy giáo trực bán trú soi đèn đi một vòng kiểm tra, nhẹ tay kéo tấm chăn mỏng đắp cho các em kẻo giá lạnh. Học sinh đầy đủ, các thầy mới yên tâm cài cửa, về phòng ngồi soạn giáo án. Thầy Nguyễn Long Khánh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Ngà cho biết: Tại điểm trung tâm có 11 phòng học tạm bợ, nhưng phục vụ cho cả hai cấp học, nên phân chia cấp hai có 8 lớp học buổi sáng, tiểu học 8 lớp phải tổ chức học buổi chiều. Buổi sáng các thầy cô giáo tiểu học phải đưa học sinh về nhà, kê bàn ghế để ôn bài. Hơn 300 học sinh bán trú ở điểm trường Nậm Ngà vẫn chưa có nhà ăn, bếp nấu nên thầy cô đành mượn hiên nhà dân, gầm sàn để làm chỗ ăn. Mấy trăm con người xếp hàng chung nhau một nhà vệ sinh tạm, tắm thì cả thầy cô và học sinh phải ra suối…
Bữa ăn của học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ngà. Ảnh: Quang Duy - TTXVN
Bữa ăn của học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ngà.
Ảnh: Quang Duy - TTXVN
Từ chỗ ở của học sinh sang điểm trường học chỉ khoảng 50 mét, nhưng phải qua suối. Mùa mưa, nước nhỏ thì thầy cô rồng rắn cõng lần lượt học trò qua suối, nước dâng cao đóng bè chở từng chuyến. Hôm nào nước lớn, chảy xiết, không qua trường được thì nghỉ học. Vừa rồi, chính quyền địa phương đầu tư xây cầu bê tông, năm học sau sẽ không còn lo lắng khi qua suối. Những năm vừa qua, theo chủ trương của ngành giáo dục đưa học sinh lớp 3 đến lớp 5 từ các điểm bản về học bán trú ở trung tâm, để có điều kiện chăm sóc các em và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, cũng như cắt giảm số lớp không đủ học sinh, tiết kiệm biên chế. Năm học 2014 – 2015, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ngà đã đưa 100% học sinh lớp 4, lớp 5 và một số lớp 3 về điểm trường trung tâm. Hiện nay, trường cấp một có 98 học sinh bán trú. Tuy nhiên, cơ sở vật chất nhà trường còn tạm bợ, lớp học và nhà ở bán trú thưng ván, lợp mái tôn còn chung với cấp hai, chưa có nhà ăn, bếp nấu và các công trình phụ trợ. Trường còn có 5 điểm bản, đi lại rất khó khăn, giáo viên một tháng mới ra trung tâm một lần để dự họp và mua lương thực, thực phẩm. Lớp học ở điểm bản cũng đang tạm bợ, có điểm chưa có điện thắp sáng, sóng điện thoại, nhưng giáo viên vẫn cố gắng bám trường, bám lớp. Tại trung tâm xã Tà Tổng, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 cũng đang thiếu thốn cơ sở vật chất, không đủ lớp học và chưa có nhà ăn, bếp nấu, công trình phụ cho học sinh bán trú. Nhà công vụ giáo viên không đủ, nhiều giáo viên phải ra ngoài thuê phòng ở nên rất khó khăn. Điểm trung tâm có 19 lớp nhưng chỉ có 11 lớp học, thầy cô giáo phải căng bạt nối giữa hai mái nhiên nhà và kê bàn ghế để học sinh có thêm lớp học, lớp còn lại phải chuyển sang học buổi chiều. Hiện trường cấp một có 252 học sinh bán trú, nhưng chỉ có 10 phòng ở, còn lại giáo viên phải mượn 10 phòng của người dân cho học sinh ở tạm. Nhà ăn, bếp nấu và công trình vệ sinh, chỗ tắm giặt của học sinh không có nên rất bất cập cho các em về ở bán trú.
Thầy và trò trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ngà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, học tập trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất. Ảnh: Quang Duy - TTXVN
Thầy và trò trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ngà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, học tập trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất. Ảnh: Quang Duy - TTXVN
Thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Tà Tổng phải cố gắng khắc phục, nghĩ cách kê bàn ra mái hiên lấy chỗ cho học sinh ngồi ăn, dựng nhà vệ sinh và nhà tắm tạm, góp tiền mua đường ống dẫn nước từ khe suối cách xa mấy trăm mét về sinh hoạt. Thầy Lê Quốc Phong cho biết: Trường đạt phổ cập tiểu học đúng độ tuổi năm 2015 và đang phấn đấu đến năm 2021 sẽ đạt trường chuẩn, nhưng thực trạng cơ sở vật chất thiếu thốn, tạm bợ như hiện nay thì khó đạt kế hoạch đề ra. Bù đắp cho sự hy sinh lặng thầm gieo chữ của các thầy cô giáo ở Tà Tổng là sự yêu quý, kính trọng và tình cảm của học sinh, phụ huynh. Vì vậy, theo các thầy cô giáo, giáo viên được phân công vào Nậm Ngà, tuy đi lại vất vả nhưng yêu học sinh nên không muốn chuyển ra vùng thuận lợi, gắn bó lâu dài với bà con dân bản. Những năm gần đây, công lao của các thầy cô giáo cấp 1 và  cấp 2 xã Tà Tổng đã được đền đáp, ghi nhận vì chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên, tỷ lệ chuyên cần đạt trên 90%, đã có học sinh và giáo viên giỏi cấp huyện. Niềm vui và niềm tự hào của cả thầy cô giáo, học sinh được nhân đôi và có động lực để phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng khó.
Việt Hoàng

Có thể bạn quan tâm