Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới tại các xã vùng sâu, vùng xa ở Cao Bằng

Một giờ học của học sinh Trường THCS Huy Giáp, xã Huy Giáp về đích nông thôn mới năm 2020. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN .
Một giờ học của học sinh Trường THCS Huy Giáp, xã Huy Giáp về đích nông thôn mới năm 2020. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN .

Cao Bằng là một tỉnh miền núi, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Vì vậy, địa phương này đang gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa. Cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân tỉnh Cao Bằng đang vào cuộc mạnh mẽ để có những giải pháp đưa các xã khó khăn hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021- 2026.

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới tại các xã vùng sâu, vùng xa ở Cao Bằng  ảnh 1  Một giờ học của học sinh Trường THCS Huy Giáp, xã Huy Giáp (huyện Bảo Lạc) về đích nông thôn mới năm 2020. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN.

Cần Nông là một xã khó khăn của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Mặc dù có nhiều nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới nhưng đến hết năm 2020, xã này chỉ hoàn thành 10/19 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt được gồm cơ sở vật chất văn hóa, thông tin và truyền thông, nhà dân cư, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường…

Ông Đỗ Thế Giáp, Chủ tịch UBND xã Cần Nông cho biết, xã Cần Nông cần gần 20 tỷ đồng để hoàn thiện các chỉ tiêu chưa đạt. Do đó, ngoài việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới; bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách; đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, xã Cần Nông đề nghị tỉnh Cao Bằng bố trí ngân sách, có chính sách hỗ trợ phù hợp để địa phương thực hiện các tiêu chí nông thôn mới…

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới tại các xã vùng sâu, vùng xa ở Cao Bằng  ảnh 2 Chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân tại trạm y tế xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Hoàn thành tiêu chí giảm tỉ lệ hộ nghèo là khó khăn lớn của nhiều xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cao Bằng. Xã Quang Trung (huyện Hòa An), là đơn vị sáp nhập với xã Hà Trì (cũ). Xã có hơn 40% dân số là người dân tộc Mông. Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn trên 49% (theo chuẩn nghèo mới). Công tác giảm nghèo ở đây đang vấn đề khiến cấp ủy, chính quyền địa phương trăn trở.

Ông Nông Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Quang Trung cho biết, sau khi sáp nhập, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao. Người dân ở đây chủ yếu trồng cây ngô, lúa nên thu nhập chưa cao. Đa số các hộ trên địa bàn xã thiếu đất sản xuất, đất đai dễ bạc màu nên người dân chưa có điều kiện phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, một số hộ nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo...

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới tại các xã vùng sâu, vùng xa ở Cao Bằng  ảnh 3Người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính tại Trụ sở xã Huy Giáp (huyện Bảo Lạc). Xã Huy Giáp về đích nông thôn mới năm 2020. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Để giảm tỉ lệ hộ nghèo, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển cây trồng thế mạnh là quýt Hà Trì, xã Quang Trung tiếp tục tuyên truyền người dân mở rộng diện tích trồng các loại cây thế mạnh như bưởi da xanh, bưởi diễn; các mô hình về phát triển đàn gia súc, gia cầm… Cùng với đó, xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho bà con về công tác giảm nghèo, có ý thức tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cách thành phố Cao Bằng trên 150 km, Bảo Lâm đang là huyện duy nhất của tỉnh Cao Bằng chưa có xã về đích xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Bảo Lâm bình quân đạt 10,5 tiêu chí/xã. Xã đạt tiêu chí cao nhất là Yên Thổ với 14/19 tiêu chí, xã thấp nhất đạt 8/19 tiêu chí. Các khó khăn lớn của huyện Bảo Lâm là tỷ lệ hộ dân chưa có điện còn nhiều, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao…

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới tại các xã vùng sâu, vùng xa ở Cao Bằng  ảnh 4Trường Tiểu học Huy Giáp, xã Huy Giáp (huyện Bảo Lạc) được quy hoạch xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới. Xã Huy Giáp về đích nông thôn mới năm 2020. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Ông Ban Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm cho biết, giai đoạn tới, Bảo Lâm cần huy động hơn 880 tỷ đồng để hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, huyện rất cần cấp ủy, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn vốn để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Cao Bằng tiếp tục nghiên cứu giúp huyện Bảo Lâm xây dựng dự án quy hoạch vùng sản xuất nông - lâm nghiệp tập trung, định hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho nông dân…

Theo Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Cao Bằng, trong tổng số 139 xã của tỉnh thực hiện xây dựng nông thôn mới, Cao Bằng có 74 xã mới đạt từ 5-9 tiêu chí/xã. Nhiều xã đạt dưới 10 tiêu chí đang là bài toán khó khăn về xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới của tỉnh Cao Bằng.

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới tại các xã vùng sâu, vùng xa ở Cao Bằng  ảnh 5Đường giao thông xã Huy Giáp (huyện Bảo Lạc) được quy hoạch xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới. Xã Huy Giáp về đích nông thôn mới năm 2020. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Nguyên nhân khiến cho các xã vùng sâu, vùng xa khó khăn trong xây dựng nông thôn mới là do diện tích các xã này rộng lớn, địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc cao, dân cư phân bố rải rác… Điều này khiến cho việc đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, xây dựng và mở rộng các trường học đạt chuẩn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các xã vùng cao thường cách xa các thị trường lớn nên tiêu thụ sản phẩm khó khăn, thu nhập của người dân hạn chế, khả năng đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới chưa nhiều…

Ông Nông Thanh Mẫn, Phó Chánh Văn phòng xây dựng nông thôn mới - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết, từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã huy động trên 15.000 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, toàn tỉnh mới có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong giai đoạn tới, Cao Bằng đề ra mục tiêu là hoàn thành cơ bản các tiêu chí hạ tầng thiết yếu theo quy định, gồm hạ tầng giao thông, điện, môi trường, nước sạch, trung tâm y tế đạt chuẩn, hạ tầng giáo dục…

Đối với các xã vùng khó khăn, UBND tỉnh cần ưu tiên bố trí vốn, đầu tư có trọng điểm để các xã này có cơ hội tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với đó, các cơ quan liên quan cũng cần nghiên cứu bổ sung các chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho những xã khó khăn tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực cho các xã vùng sâu, vùng xa cố gắng xây dựng nông thôn mới…

Chu Hiệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm