Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới nơi biên giới Mường Tè

Tỉ lệ hộ nghèo ở xã Bum Tở, huyện Mường Tè lên tới 87,8%. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN
Tỉ lệ hộ nghèo ở xã Bum Tở, huyện Mường Tè lên tới 87,8%. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện vùng cao biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện vẫn đang gặp nhiều khó khăn về thực hiện các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa.

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới nơi biên giới Mường Tè ảnh 1Xã Bum Tở, huyện Mường Tè (Lai Châu) hiện có 7 bản với 860 hộ dân sinh sống. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

 Xuất phát điểm thấp

Mường Tè từ lâu được biết đến là huyện biên giới khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu với tỷ lệ hộ nghèo cao. Toàn huyện có 13 dân tộc sinh sống, với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có dân tộc rất ít người là dân tộc Si La và các dân tộc đặc biệt khó khăn như: Cống, Mảng, La Hủ. Huyện có 6 xã biên giới: Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ, Pa Ủ, Pa Vệ Sủ và 11/14 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng giao thông và các công trình phúc lợi phục vụ sinh hoạt, sản xuất chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn tới đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Với xuất phát điểm thấp, việc huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới ở Mường Tè còn nhiều hạn chế. Từ đó, khiến việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới gặp nhiều trở ngại, vướng mắc.

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới nơi biên giới Mường Tè ảnh 2Một góc xã Bum Tở, huyện Mường tè, tỉnh Lai Châu chủ yếu là đồng bào dân tộc La Hủ, cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn nhiều. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN.

Tới xã Bum Tở - xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè, dọc trên tuyến đường trung tâm xã dễ thấy dân cư phân bố không đồng đều. Trên các sườn núi nhiều cây trồng cằn cỗi và những ngôi nhà chưa được xây dựng kiên cố cho thấy đời sống của người dân nơi đây còn thiếu thốn.

Xã Bum Tở hiện có 7 bản với 860 hộ dân và 3.478 nhân khẩu sinh sống. Toàn xã có 8 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc La Hủ chiếm 99%. Mặc dù được sự quan tâm đầu tư nguồn lực của Nhà nước, tỉnh Lai Châu và huyện Mường Tè, nhưng do địa bàn xã dân cư phân bố không đều, đất sản xuất ít nên ảnh hưởng lớn tới việc phát triển kinh tế hộ gia đình.

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới nơi biên giới Mường Tè ảnh 3Dù được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng các xã vùng sâu, vùng xa của huyện biên giới Mường Tè còn rất khó khăn. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

Mặt khác, do đông đồng bào dân tộc thiểu số nên trình độ dân trí người dân thấp, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ đưa vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi còn chậm. Đặc biệt, Bum Tở trước đây là một trong những điểm nóng về tệ nạn ma túy, đến nay tàn dư để lại gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp tới việc phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của xã. Hiện xã vẫn còn 111 người nghiện ma túy, nếu không giảm được tệ nạn này nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế có nhiều hơn nữa cũng khó có thể phát triển bền vững.

Ông Vàng Hu Chờ, Chủ tịch UBND xã Bum Tở cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã gặp rất nhiều khó khăn do tệ nạn xã hội lịch sử để lại. Hiện khó khăn lớn nhất của xã về thực hiện các tiêu chí như thu nhập, hộ nghèo, môi trường. Theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt từ 36 triệu đồng/người/năm. Thực tế, dù được Nhà nước hỗ trợ nguồn lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhưng hiệu quả kinh tế vẫn không cao, đến nay thu nhập của người dân còn thấp, chỉ đạt 15 triệu đồng/người/năm.

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới nơi biên giới Mường Tè ảnh 4Mô hình chăn nuôi dê của gia đình chị Ly Mỳ Mó, dân tộc La Hủ, bản Phìn Khò, xã Bum Tở, huyện Mường Tè. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

Đối với hộ nghèo, tính theo chuẩn nghèo đa chiều thuộc Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 27/01/2021, về quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 thì xã Bum Tở chiếm tỷ lệ cao 87,8%. Đến nay, xã mới chỉ đạt 13/19 tiêu chí. Chỉ tiêu giảm nghèo và thu nhập đang là bài toán khó, khiến cấp ủy, chính quyền địa phương trăn trở.

Chị Ly Mỳ Mó, dân tộc La Hủ, bản Phìn Khò, xã Bum Tở chia sẻ: “Trước đây cuộc sống gia đình mình nghèo khổ lắm, không biết trồng gì và nuôi gì. Được Nhà nước hỗ trợ cho đi học nghề nên mình đã biết trồng rau và nuôi dê để bán. Nhưng cuộc sống vẫn còn khó khăn lắm, mình mong Nhà nước tiếp tục hỗ trợ người dân học thêm nghề để mở rộng phát triển kinh tế”. 

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới nơi biên giới Mường Tè ảnh 5Tỉ lệ hộ nghèo ở xã Bum Tở, huyện Mường Tè lên tới 87,8%. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

Cùng với tiêu chí hộ nghèo, thu nhập thì tiêu chí môi trường cũng là một tiêu chí khó đạt. Bởi xã Bum Tở dân cư sinh sống không tập trung và nhiều nếp sống lạc hậu. Hầu hết các hộ gia đình còn tình trạng vứt thải sinh hoạt bừa bãi, chưa có hố rác tự xử lý trong gia đình.

Với những khó khăn, vướng mắc trên xã Bum Tở chưa xác định được tới năm nào đạt chuẩn nông thôn mới. Xã mới đề ra mục tiêu quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 đưa Bum Tở thoát khỏi tình trạng kém phát triển của huyện Mường Tè.

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới nơi biên giới Mường Tè ảnh 6Cần có những chính sách đặc thù để những vùng khó khăn ở huyện biên giới Mường Tè xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

Cần chính sách đặc thù

Để tập trung thực hiện các tiêu chí còn lại, xã Bum Tở tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; trong đó, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây quế và chăn nuôi gia súc. Tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan vận động người dân đi cai nghiện ma túy. Đặc biệt, tuyên truyền người dân làm tốt trong bảo vệ rừng để nâng tỷ lệ che phủ rừng và nâng mức hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người dân.

Đồng thời, Bum Tở mong muốn đề án về dân tộc La Hủ sớm được phê duyệt để có một số chế độ đặc thù riêng cho người dân, góp phần xây dựng nông mới. Các cấp, các ngành tỉnh Lai Châu tiếp tục quan tâm tới vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng cho các bản, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, xóa đói giảm nghèo.

Theo báo cáo của huyện Mường Tè, toàn huyện hiện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân tiêu chí/xã đạt 12,4 tiêu chí; thu nhập đầu người đạt 27,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,4%/năm (năm 2022). Xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới đang là bài toán khó khăn của huyện Mường Tè bởi xuất phát điểm còn thấp.

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới nơi biên giới Mường Tè ảnh 7Cần có những chính sách đặc thù để những vùng khó khăn ở huyện biên giới Mường Tè xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho hay, những năm gần đây bộ mặt nông thôn huyện có nhiều chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện còn gặp khó khăn khi thực hiện các tiêu chí: thu nhập, hộ nghèo, cơ sở vật chất, môi trường. Nguyên nhân khiến các xã của huyện gặp khó khăn trong xây dựng nông thôn mới là do diện tích tự nhiên lớn, địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc cao, dân cư phân bố rải rác khiến cho việc đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng gặp nhiều trở ngại.

Thời gian tới, đối với xã chuẩn bị đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Mường Tè tiếp tục huy động nguồn lực cùng với cấp ủy chính quyền và nhân dân sở tại tham gia xây dựng nông thôn mới. Huyện tập trung khảo sát, xây dựng đề án những cây, con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương; tập trung chỉ đạo bà con nhân dân phát triển kinh tế gắn với đảm bảo ổn định cuộc sống; lồng ghép chương trình xây dựng nông mới với các chương trình, dự án khác như chương trình 135, 130, chương trình giảm nghèo để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.

Hiện nay nguồn lực bố trí các điều kiện phát triển kinh tế trên địa bàn chưa đáp ứng được, Mường Tè đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục rà soát có những cơ chế chính sách đặc thù riêng đối với vùng sâu, vùng xa, vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Mường Tè để tập trung các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh. Đặc biệt, rút ngắn được khoảng cách giữa miền xuôi, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Mường Tè.

Nguyễn Oanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm