Khó khăn trong công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm ở Cao Bằng

Khó khăn trong công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm ở Cao Bằng
Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Trùng Khánh tiêm phòng cho gia súc.
Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Trùng Khánh tiêm phòng cho gia súc.
Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Trùng Khánh Hoàng Ngọc Hoàn cho biết: Thời gian qua, Trạm đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, lực lượng thú y viên 20 xã, thị trấn tích cực triển khai công tác tiêm phòng định kỳ cho đàn GSGC. Hằng năm, công tác tiêm phòng được chia làm 2 đợt: Đợt vụ đông xuân và đợt vụ hè thu. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai công tác tiêm phòng trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do một số hộ chăn nuôi chưa thay đổi tập quán nuôi nhốt trâu, bò dưới gầm sàn nhà ở; chuồng trại ẩm ướt, mất vệ sinh, cùng với thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài tạo điều kiện cho vi rút tồn tại, phát triển, gia súc mắc bệnh điều trị lâu khỏi. Đặc biệt, các hộ chăn nuôi còn tập quán chăn nuôi quảng canh nhỏ lẻ, thả rông trâu, bò, gia cầm mắc bệnh ra các bãi chăn thả chung, không nuôi nhốt theo dõi điều trị, nên dịch bệnh phát sinh và lây lan. Hằng năm, các dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM), tai xanh bùng phát ở một số xã trọng điểm ảnh hưởng đến công tác quản lý dịch bệnh. 

Mặc dù, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Trùng Khánh hằng năm vẫn tiến hành tiêm phòng vắc xin bổ sung, tiêm vét cho đàn GSGC nhưng Trùng Khánh là một trong những địa phương thường xuyên tái phát dịch LMLM, dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh... trên đàn GSGC. Dịch bệnh hay bùng phát tại các xã: Đức Hồng, Thân Giáp, Lăng Hiếu… Nguyên nhân chính dẫn đến việc tái phát dịch bệnh do một số hộ chăn nuôi cho rằng việc tiêm phòng vắc xin sẽ làm cho gia súc gầy yếu, giảm sức cày kéo..., ở các xóm vùng sâu, vùng xa khi thú y viên xã đến triển khai công tác tiêm phòng, người dân vẫn chưa phối hợp. Hiện tỷ lệ tiêm phòng trên đàn GSGC của huyện trung bình mới đạt 20%/tổng đàn. Từ đầu năm đến nay, huyện tiêm phòng 2.834 liều vắc xin LMLM trâu, bò, đạt 11,3%; 481 liều vắc xin dịch tả lợn, đạt 2%. Ông Lý Văn Trung, xóm Bình Lang, xã Đình Minh (Trùng Khánh) bày tỏ: Gia đình tôi có 2 con trâu và 1 con nghé, do chủ quan không tiêm vắc xin nên trong tháng 2/2016, 1 con trâu bị dịch LMLM.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, toàn tỉnh hiện có 232.378 con trâu, bò; 389.204 con lợn; 2.190.000 con gia cầm. Trong những năm gần đây, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn GSGC chưa đảm bảo yêu cầu miễn dịch. Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin trên đàn trâu, bò chỉ đạt 50%, đàn lợn trên 30%, đàn gia cầm khoảng 70% so với tổng đàn. Trong khi đó, tiêm phòng là biện pháp cực kỳ quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi. Tỷ lệ tiêm phòng GSGC phải đạt trên 80% tổng đàn trở lên mới bảo đảm khả năng miễn dịch, hạn chế nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên diện rộng. Từ đầu năm đến nay, Trạm Chăn nuôi và Thú y 13 huyện, Thành phố tiêm phòng 29.121 liều vắc xin LMLM cho trâu, bò, đạt 11,8% kế hoạch (KH); 24.986 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò, đạt 9,3% KH; 28.626 liều vắc xin dịch tả lợn, đạt 10,6% KH; 1.417 liều tai xanh lợn… Các huyện có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò đạt thấp là: Thạch An đạt 17,5%; Thông Nông 12,6%; Nguyên Bình 10,4%; Bảo Lạc 9,8%; Trùng Khánh 7,7%...

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hoàng Minh Đạt cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng thấp là do một số chính quyền cấp huyện, xã chưa chỉ đạo kiên quyết công tác tiêm phòng; Ban chỉ đạo phòng, chống dịch chưa thật sự vào cuộc đối với công tác tiêm phòng. Công tác báo cáo dịch và báo cáo tiến độ tiêm phòng còn sơ sài... Đặc biệt là người dân nơi hay tái phát ổ dịch cũ còn chủ quan, chưa phối hợp chặt chẽ với ngành Chăn nuôi và Thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh nên ngành Thú y khi triển khai công tác tiêm phòng không thể thống kê chính xác số gia súc, gia cầm trong diện tiêm. Thậm chí một bộ phận người chăn nuôi có tâm lý chưa có dịch không cần tiêm phòng, có dịch mới tiêm; vì thế việc tiêm phòng không đảm bảo quy định của cơ quan Thú y là tiêm đủ số lần, đúng liều lượng và đúng thời điểm. Điển hình các xã, phường thường xuyên tái phát dịch bệnh gia súc, gia cầm, như: Đức Hồng, Lăng Hiếu, Đình Minh (Trùng Khánh); Đề Thám (Thành phố Cao Bằng)… Do vậy dẫn đến kết quả tiêm phòng cho đàn GSGC đạt tỷ lệ thấp. 

Để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, ngành Thú y tiếp tục phối hợp với các huyện, Thành phố đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về Chỉ thị số 06/CT- UBND, ngày 30/3/2016 của UBND tỉnh về tăng cường công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh GSGC năm 2016 sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh yêu cầu Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, Thành phố tổ chức tiêm phòng cho GSGC đúng thời gian, tiêm đủ 2 mũi/năm, tiêm phòng bảo đảm an toàn cho GSGC; hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ngăn ngừa lây bệnh sang người; chủ động cung ứng đầy đủ vắc xin, hóa chất phun khử trùng tiêu độc môi trường; xây dựng đội ngũ thú y viên cơ sở đảm bảo về chất lượng, số lượng đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm