Khi bà con K'Ho nuôi tằm

Khi bà con K'Ho nuôi tằm
Nuôi tằm không cần tốn quá nhiều công lao động
Nuôi tằm không cần tốn quá nhiều công lao động
Tân Thanh hiện có thôn 3 và thôn 9 là những thôn đi đầu trong việc vận động bà con dân tộc K’Ho trồng dâu nuôi tằm với hơn 60 hộ. Trước đây, bà con nơi này chủ yếu sống nhờ cây cà phê và lúa một vụ ở những nơi sình lầy, vùng trũng. Nhưng hai năm trở lại đây, những khu vực trồng lúa một vụ ấy giờ đã xanh mướt những vườn dâu. Ông Nguyễn Hải Quân - Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế xã Tân Thanh, cho biết: “Ngày đầu huyện mở lớp dạy nghề, bà con K’Ho không ai đăng ký đi học trồng dâu nuôi tằm. Sau đó, xã chọn cách vận động cán bộ thôn, nhất là chị em trong Chi hội phụ nữ đi học và làm thử nghiệm trước để từ đó bà con học hỏi”. Chị K’Rin - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 3, một trong những người tiên phong trong việc nuôi tằm ở đây, nói thêm: “Ngày xưa, ngoài làm cà phê, bà con chỉ nuôi con heo, con gà. Từ ngày học được cách nuôi tằm, các chị em cũng có việc làm kiếm thêm thu nhập”.
Hiện ở Tân Thanh, bà con vẫn còn nuôi tằm trên giá, với vốn ban đầu về giống và giá tằm chỉ khoảng 4 triệu đồng. Được biết, trung bình mỗi tháng một hộ ở đây có thể nuôi hai lứa tằm. Mỗi lứa nuôi bà con thu được ít nhất khoảng 45kg kén/1 hộp trứng. Giá kén hiện nay gần 90.000 đồng/kg. Riêng như hộ chị Ka Uých có tới 4 sào dâu lá to. Là hộ nuôi tằm năng suất nhất trong thôn, chị có thể nuôi gối đầu các lứa tằm và một tháng thu 4 lần kén. Chị Ka Uých chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn nuôi tằm thì phải trồng dâu trước khi nuôi 6 tháng, phải chọn giống dâu cao sản để nhanh được thu hoạch và năng suất cao. Trồng dâu nuôi tằm, vốn đầu tư ít, không cần nhiều người làm, chỉ người già ở nhà vẫn cho tằm ăn được. Mỗi ngày, ,mình chỉ mất khoảng 1 tiếng để cắt dâu cho tằm ăn, thời gian còn lại vẫn có thể làm rẫy bình thường. Tằm dễ nuôi thôi, tuy lợi nhuận thu trên một lần không cao, nhưng tạo ra nguồn thu thường xuyên trong năm”.  
Chị Ka Phi - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 9, vẫn còn nhớ: “Ngày trước bà con mình không ai biết nuôi tằm đâu. Ai thấy con tằm cũng sợ, vì nó giống như con sâu. Bây giờ hết sợ tằm rồi, nhà ai cũng nuôi. Nhờ nuôi tằm mà bà con biết giữ vệ sinh nơi ở, sạch sẽ hơn vì nếu không giữ vệ sinh, thì tằm sẽ bị bệnh hết mà”.

Nhận thấy nghề trồng dâu nuôi tằm với độ rủi ro thấp là hướng phát triển kinh tế phù hợp với nông dân địa phương, nên UBND xã Tân Thanh đang khuyến khích phát triển rộng nghề này, nhất là trong vùng bà con DTTS gốc Tây Nguyên. Anh Nguyễn Hải Quân, cho hay: “Nhờ các lớp khuyến nông và học hỏi từ những hộ gia đình người Kinh nuôi tằm từ lâu đời, nên kỹ thuật nuôi tằm của bà con dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên ở đây cũng khá tốt. Tằm nuôi chất lượng tốt, tình trạng dịch trên tằm ít xảy ra. Riêng việc vệ sinh phòng dịch, bà con thực hiện rất tốt từ dọn vệ sinh, dùng thuốc đúng quy định, nên chất lượng các lứa tằm khá đồng đều nhau”. 
Theo đề án quy hoạch vùng trồng dâu nuôi tằm đến năm 2020, Lâm Đồng sẽ phát triển lên đến 9.000ha dâu trên toàn tỉnh, kinh phí đầu tư khoảng 100 tỷ đồng và xây dựng 80 mô hình nuôi tằm tập trung. Để có được những con số ấy, cần có sự góp sức của bà con DTTS gốc Tây Nguyên ở mảnh đất này.
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm