Khẩu trang có thể phòng bệnh COVID-19 trở nặng và giảm áp lực đối với hệ thống y tế

Khẩu trang có thể phòng bệnh COVID-19 trở nặng và giảm áp lực đối với hệ thống y tế

Khẩu trang có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 thể nặng và áp lực đối với hệ thống y tế. Lợi ích tiềm tàng này được nhóm nhà nghiên cứu thuộc Đại học McMaster (Canada) phát hiện ra khi nghiên cứu tác dụng của việc đeo khẩu trang đối với dân số.

Khẩu trang có thể phòng bệnh COVID-19 trở nặng và giảm áp lực đối với hệ thống y tế ảnh 1Bảng yêu cầu hành khách đeo khẩu trang khi đi taxi tại Mississauga, Ontario, Canada, ngày 7/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Nhóm nghiên cứu đã phát triển mô hình nhằm tìm hiểu phương pháp phòng ngừa COVID-19 bằng “variolation” – một hình thức chủng ngừa ngẫu nhiên nhưng khả năng đem lại lợi ích nhờ hít vào một lượng nhỏ virus trong khi không đeo khẩu trang.

Phương pháp “variolation” được áp dụng vào thế kỷ thứ 18 để kiểm soát bệnh đậu mùa. Theo đó, những người khỏe mạnh sẽ tiếp xúc hoặc hít các vật nhiễm virus (vảy hoặc mủ) từ người mắc bệnh đậu mùa. Những người được chủng ngừa bằng phương pháp chủ động lây nhiễm này thường mắc bệnh nhẹ hơn so với những người bị lây nhiễm một cách tự nhiên, mà lại có khả năng miễn dịch với bệnh.

Vào giai đoạn đầu đại dịch COVID-19, người ta cho rằng những người bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong khi đeo khẩu trang có thể mắc bệnh nhẹ và có thể được coi là được chủng ngừa bằng phương pháp “variolation”. Với mô hình toán học mới trên, các nhà nghiên cứu ước tính tác động tiềm tàng của phương pháp variolation đối với dân số nói chung. Kết quả cho thấy việc đeo khẩu trang có thể khiến đà lây lan bệnh COVID-19 chậm lại, giúp ổn định số ca và giảm các ca mắc bệnh nặng.

Tác giả nghiên cứu David Earn cho biết nếu phương pháp variolation đem lại hiệu quả cao và nếu hầu hết mọi người đeo khẩu trang, thì số ca bệnh nặng cũng như áp lực đối với hệ thống y tế có thể giảm đáng kể, ngay cả khi khẩu trang không giúp họ tránh bị lây nhiễm virus.

Về phần mình, tác giả chính – ông Zachary Levine nói rằng kết quả nghiên cứu chứng tỏ tác dụng của khẩu trang đối với sức khỏe cộng đồng đã bị đánh giá thấp, đặc biệt là khi COVID-19 chuyển từ đại dịch thành bệnh đặc hữu. Do đó, các chính phủ nên cân nhắc về quyết định bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Theo ông Levine, trong khi chúng ta chuẩn bị sẵn sàng đối phó với đại dịch trong tương lai, việc hiểu được các chiến lược kiểm soát lây nhiễm tác động khác nhau như thế nào đến tình hình dịch bệnh có thể giúp chúng ta biết được cần theo đuổi những chính sách nào.

Theo các tác giả, kết quả nghiên cứu trên có thể được áp dụng đối với mọi bệnh về đường hô hấp lây lan do hít phải các hạt lây nhiễm. Nghiên cứu đã được xuất bản trực tuyến trên tạp chí Royal Society Interface.


Nguyễn Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm