Khẩu sli - hương vị quê nhà

Khẩu sli - hương vị quê nhà
Vào dịp lễ, Tết, nhiều gia đình vẫn tự làm khẩu sli để dâng lên bàn thờ tổ tiên và làm quà đãi khách.
Vào dịp lễ, Tết, nhiều gia đình vẫn tự làm khẩu sli để dâng lên bàn thờ tổ tiên và làm quà đãi khách.
Khẩu sli, bánh gạo nếp nổ hay còn gọi là bánh bỏng có chứa lạc, có mặt trong mỗi gia đình vào các dịp lễ, Tết cổ truyền. Tuy được tự làm thủ công tại nhà, nhưng để có được món bánh khẩu sli đạt đến độ ngon tinh tế phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm bánh phải kiên nhẫn, tỉ mỉ, có những kinh nghiệm, bí quyết riêng. Bánh gồm các nguyên liệu: gạo nếp, đường phên, lạc. Muốn có được khẩu sli ngon,  khâu chọn gạo là quan trọng nhất bởi gạo là nguyên liệu chủ đạo của bánh.
Gạo nếp để làm khẩu sli phải là khẩu nua moong, trồng vào vụ mùa, thường được gặt tầm tháng 9 âm lịch, hạt gạo mẩy đều, căng ròn. Gạo được ngâm từ 5 - 7 tiếng, đãi sạch, để ráo nước và đem đồ thành xôi. Khi đồ xôi chú ý đều lửa, không để xôi bị ám mùi khói. Trong khi chờ xôi chín, người làm bánh sẽ xay bột ngô vàng thật mịn. Khi xôi chín, dỡ ra và để nguội, rồi trộn với bột ngô mới xát, đảo đều để cho những hạt xôi tơi ra từng hạt, không dính vào nhau. Sau công đoạn này, đem xôi trộn với bột ngô ra phơi một nắng cho hạt nếp se lại rồi mới đem vào cối đá giã cho hạt xôi dẹt mỏng. Thường chỉ dùng cối giã đạp chân. Công đoạn giã xôi này khá lâu và tốn nhiều sức, thường là có hai người cùng làm. Chân đạp cối, tay đảo xôi, sau nhịp giã của người này, người còn lại sẽ dùng tay để đảo xôi, người làm phải thật kiên nhẫn không quá vội vàng vì hạt xôi sẽ dễ bị nát, vón cục, càng đảo kỹ, càng giã lâu thì hạt cốm càng đẹp.

Như thế đã tạm xong khâu chuẩn bị, sau đó lấy một chiếc chảo gang để rang xôi. Khi rang cho chừng một nắm xôi đã giã vào chảo, để lửa vừa phải, đảo cho đều tay rồi cho một chút dầu ăn xuống chảo để hạt xôi nở phồng, có màu vàng nhạt, căn có độ giòn, xốp tan trong miệng.  Đường để làm khẩu sli là đường phên được ép từ mía vàng của người dân địa phương bằng phương pháp truyền thống, có màu vàng sậm, ngọt đượm và thơm mùi mía. Người làm bánh sẽ "cô đường", trước tiên đun đường tan chảy rồi dùng túi lưới hoặc vải màn để lọc đường, loại bỏ cặn. Sau đó đun tiếp cho đến khi đường có màu đẹp và đạt được độ giòn. Đối với công đoạn "cô đường", phải thật chú ý không để bị quá lửa đường sẽ bị cháy khét, còn nếu chưa đủ lửa, đường cô đặc sẽ dễ bị tan chảy, khi nhai bị dính, khó ăn. Khi đường sôi sủi, tạo thành mật sền sệt, đổ bỏng đã rang vào rồi đảo nhanh tay trên chảo để đường và bỏng quyện đều nhau, hạt bỏng có một màu vàng óng đẹp mắt. Đổ hỗn hợp bỏng đường ra khuôn gỗ vuông, dàn đều, dùng lu làm bằng gỗ nghiến, hoặc dùng chai thủy tinh cán qua cán lại, nén cho thật chặt. Cán bánh ngay khi còn nóng thì sẽ có độ kết dính cao. Lấy lạc đã rang chín, giòn thơm (thường chỉ dùng loại lạc đỏ, hạt nhỏ đều do địa phương tự trồng), đổ lên mặt bánh một lớp lạc, dàn cho phẳng, tiếp tục dùng chai thủy tinh cán đều, kết dính chặt vào lớp bánh.

Sau đó, dùng dao sắc cắt bánh thành từng miếng. Chiếc bánh khẩu sli trông rất hấp dẫn, những hạt nếp phồng quyện với đường vàng ươm, óng ánh, thêm lớp lạc phủ trên mặt bánh một màu nâu đỏ, bóng mượt. Tùy vào sở thích, người ta có thể thay thế lớp lạc bằng một loại vừng (ngà hoóc) có vị thơm, bùi rất lạ miệng.
Khẩu sli làm xong, dùng giấy bản gói bánh thành từng phong, từng cọc như bánh khảo, rồi bọc bên ngoài một lớp nilông để chống ẩm. Nếu bảo quản tốt, bánh dùng được vài tháng vẫn giữ được độ giòn, thơm.
 
Sản phẩm Khẩu sli Nà Giàng của Hợp tác xã Khẩu Sli thương mại dịch vụ Nà Giàng, xã Phù Ngọc (Hà Quảng - Cao Bằng)
Sản phẩm Khẩu sli Nà Giàng của Hợp tác xã Khẩu Sli thương mại dịch vụ Nà Giàng, xã Phù Ngọc (Hà Quảng - Cao Bằng)

Trải qua nhiều công đoạn khá cầu kỳ sẽ có được loại bánh rất độc đáo mà người thưởng thức phải bằng cả ngũ giác. Chỉ cần nhai một miếng khẩu sli giòn tan trong miệng, người ăn sẽ cảm nhận được mùi thơm của nếp, vị bùi ngậy của lạc (ngà hoóc), ngọt thanh của đường mía... và cảm nhận cả cái "tình", sự chân thành của người làm bánh gửi gắm trong đó.  

Ngày trước, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, vào dịp lễ, Tết nhà nào cũng đều tự làm khẩu sli, một trong những "lễ vật" để dâng lên tổ tiên. Khẩu sli cũng là loại bánh "hảo hạng" cho trẻ nhỏ, là quà đãi khách quý đến thăm nhà chúc Tết. Ngày nay, đời sống phát triển, các loại bánh truyền thống ít dần, nhưng với người dân Cao Bằng, khẩu sli vẫn là món bánh không thể thiếu trên bàn thờ của mỗi gia đình cùng với bánh chưng. Khẩu sli có mặt trên mâm cỗ để mời khách. Và nghề làm khẩu sli cũng được duy trì, ngày càng mở rộng hơn ở nhiều địa phương của Cao Bằng. Đặc biệt, từ khi Hợp tác xã Khẩu sli thương mại dịch vụ Nà Giàng, xã Phù Ngọc (Hà Quảng) thành lập đã đưa thương hiệu "Khẩu sli Nà Giàng" - đặc sản mang hương vị quê nhà vươn xa ra các tỉnh, thành trong cả nước. Du khách khi đến với Cao Bằng, đến với Hà Quảng dễ dàng tìm kiếm loại đặc sản rất độc đáo này để làm quà cho bạn bè, người thân của mình.

Ngày xuân, những người thân trong gia đình, bạn bè quây quần, cùng nhâm nhi từng miếng khẩu sli giòn tan, bùi thơm, nhấp ngụm trà xanh, xen trong những câu chuyện thú vị sẽ càng thấy ấm áp, ngày xuân thêm ý nghĩa. Với những người con xa quê, dù ở phương trời nào, khi được cầm trên tay thưởng thức miếng bánh khẩu sli sẽ chỉ mong được trở về với gia đình, cùng đón Tết bên bếp lửa ấm áp tình thân.
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm