Khánh thành Khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn

Ngày 20/4, Tỉnh ủy Khánh Hòa phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức lễ khánh thành Khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn, ở xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa (20/4/1953 -20/4/2023).

Khanh thanh Khu luu niem chien thang Vuon Gon - Da Ban hinh anh 1Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, các đồng chí lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử, cựu chiến binh, nhà khoa học trong, ngoài quân đội; cùng các nhà nghiên cứu tham dự buổi lễ.

Sau hơn 2 tháng khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 15 tỷ đồng, công trình khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn. Khu lưu niệm là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 59 - bộ đội chủ lực Liên khu 5 đã giành thắng lợi lớn trong trận chiến đấu chống càn của địch tại Vườn Gòn - Đá Bàn vào ngày 20/4/1953, đập tan ý đồ của thực dân Pháp hòng tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta.

Khanh thanh Khu luu niem chien thang Vuon Gon - Da Ban hinh anh 2 Khu lưu niệm được xây dựng trên diện tích hơn 1,2ha, điểm nhấn trên sân lễ đài là tượng đài chiến thắng cao 18,9m. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN

Toàn bộ khu lưu niệm được xây dựng trên diện tích hơn 1,2 ha, vị trí xây dựng tại Vườn Gòn, hướng về căn cứ kháng chiến Đá Bàn ngày xưa và nay là hồ Đá Bàn. Khu lưu niệm bao gồm nhiều hạng mục, công trình như: Tường rào, Tượng đài chiến thắng cao 18,9 m, Phòng trưng bày truyền thống, nhà ở bộ phận quản lý, thuyết minh và khu kỹ thuật. Nơi đây nằm trong khu vực quyết chiến của Tiểu đoàn 59 và cũng là nơi điểm chốt chặn quân địch, vị trí chỉ huy trực tiếp của đồng chí tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu.

Tại phòng truyền thống trưng bày, lưu giữ những kỷ vật, hiện vật, sa bàn trận địa, hình ảnh, pano, bảng ảnh về cuộc chiến khốc liệt và oai hùng của Tiểu đoàn 59 và nhân dân Khánh Hòa ở Vườn Gòn - Đá Bàn xưa kia. Phòng truyền thống còn dành không gian trang trọng để khắc ghi công ơn, tên tuổi của những anh hùng đã hy sinh trong trận chiến này. Giữa khuôn viên khu tưởng niệm, hàng chục cây gòn (một loại cây trước đây mọc nhiều ở khu vực này) được trồng, chăm sóc, tạo không gian gợi nhớ đến ký ức một thời hoa lửa. Dưới tán vườn gòn là những ụ pháo luôn sẵn sàng đẩy lùi các đợt càn của địch, biến nơi đây thành lá chắn thép bảo vệ từ xa cho căn cứ cách mạng Đá Bàn nằm sâu trong núi.

Tham dự buổi lễ, cựu chiến binh Trương Bình Trọng thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 59 năm xưa, xúc động cho biết, ông trực tiếp tham gia trận đấu, đây là trận chiến rất ác liệt. Trong trận đó, anh em cán bộ, chiến sĩ đã không tiếc xương máu quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Khanh thanh Khu luu niem chien thang Vuon Gon - Da Ban hinh anh 3Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, cùng lãnh đạo nhân dân tỉnh Khánh Hòa dâng hoa cho các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN

Ông Nguyễn Đắc Tấn (87 tuổi), trước đây là chiến sĩ phụ trách pháo thủ, súng cối tiểu đoàn 59 chia sẻ: Chúng tôi là những người lính trực tiếp tham gia trận đánh ở đây. Hôm nay, tôi rất xúc động về lại nơi mà năm xưa đã chiến đấu gian khổ. Tôi rất cảm ơn địa phương đã xây dựng công trình rất có ý nghĩa.

Ngày 18/4/1953, thực dân Pháp huy động một lực lượng lính hỗn hợp Âu-Phi-ngụy với hơn 4.000 quân, có đầy đủ hỏa lực, yểm trợ càn vào chiến khu Đá Bàn-căn cứ kháng chiến của tỉnh Khánh Hòa (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa) nhằm phá căn cứ, tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta. Do nắm được ý định của địch, ta đã chủ động sử dụng một lực lượng nhỏ ngăn chặn địch tại căn cứ chiến khu, lực lượng còn lại vòng ra ngoài phục kích tại khu vực Vườn Gòn (xã Ninh Sơn) làm điểm quyết chiến. Bên trong căn cứ Đá Bàn, ta dùng hầm chông, mìn gài sẵn, gây cho địch nhiều tổn thất. Đến cuối chiều 19/4/1953, địch mới vào được rìa căn cứ Đá Bàn. Chờ đêm xuống, Tiểu đoàn 59, bộ đội chủ lực Liên khu 5 bí mật hành quân phục kích ở vòng ngoài. Trưa 20/4/1953 địch bắt đầu rút quân, đến 13 giờ thì toàn bộ đội hình của địch lọt vào Vườn Gòn (khu vực phục kích của ta). Trận đánh kéo dài trong 3 giờ. Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, ta đã gây cho địch thiệt hại nặng nề, tiêu diệt hơn 400 tên, thu hàng trăm khẩu súng các loại.

Đặng Anh Tuấn

Tin liên quan

Dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sỹ Gạc Ma

Sáng 14/3, tròn 35 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988 - 14/3/2023), tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), Đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã dâng hương tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đảo Gạc Ma, bảo vệ vùng biển, đảo Trường Sa của Tổ quốc.


Thiêng liêng Gạc Ma những ngày tháng Ba

Những ngày tháng Ba này, muôn triệu trái tim Việt Nam hướng về Gạc Ma, quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Nhớ 14/3/1988 - ngày Biển Đông dậy sóng, thành kính tri ân 64 người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh vì chủ quyền đất nước, lại đau đáu nỗi niềm "Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau"... Và suốt 35 năm qua, dù bão tố dập dờn, nhưng Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vẫn hiên ngang giữa muôn trùng ngọn sóng.


Sức sống trên đảo Sinh Tồn Đông

Nằm ở khu vực quần đảo Trường Sa thuộc huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), đảo Sinh Tồn Đông bảo vệ sườn phía Đông của Tổ quốc. Thực hiện nhiệm vụ chính trị, cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn đoàn kết, kiên định, vững vàng ý chí, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.



Đề xuất