Khánh Sơn - Miền cây trái ngọt

Khánh Sơn - Miền cây trái ngọt

Khánh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, nơi đây có khí hậu mát mẻ, ôn hòa, đất đai thích hợp với các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt, mía tím, mít nghệ. Diện mạo của huyện miền núi này dần thay đổi khi người dân lựa chọn và phát triển đúng định hướng với những cây ăn quả có giá trị cao nói trên.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng của tỉnh, huyện Khánh Sơn đã phát triển tổng diện tích gieo trồng đạt 4.263 ha, trong đó, cây lâu năm 3.559 ha, cây hàng năm 704 ha. Qua đó, ước tính tổng sản lượng thu hoạch các loại cây ăn quả trong 7 tháng năm nay đạt 18.000 tấn; trong đó, sầu riêng 12.000 tấn, măng cụt 45 tấn, mít 45 tấn, bưởi da xanh 600 tấn, chuối 4.500 tấn, chôm chôm 100 tấn, quýt 80 tấn... Đặc biệt, sầu riêng Khánh Sơn cho quả to, vỏ mỏng, thơm ngon, cơm vàng, hạt lép đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Sầu riêng Khánh Sơn" và được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bình chọn là Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam, được người tiêu dùng tin tưởng chọn lựa.

Khánh Sơn - Miền cây trái ngọt ảnh 1 Anh Nguyễn Văn Quý, nông dân xã Sơn Trung chăm sóc cây bưởi da xanh, loại cây cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Anh Đào Quang Hiển, đại diện Tổ hợp tác cây ăn quả Sơn Trung, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn cho biết, Tổ hợp tác có 27 ha đang trồng theo hướng nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Nhờ đó, sầu riêng đảm bảo chất lượng và nâng cao thu nhập cho nông dân. Năm nay, do có mưa ở giai đoạn sầu riêng trổ hoa, sản lượng không cao như mong đợi của người dân, bù lại sầu riêng được giá nên người dân phấn khởi.

“Chúng tôi trồng cây theo tiêu chí xanh - sạch - không dùng hóa chất. Đây là điều kiện tiên quyết để thị trường đón nhận sản phẩm sầu riêng của chúng tôi nói riêng và của Khánh Sơn nói chung. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vừa học vừa làm nâng cao quy cách đóng gói sản phẩm, mã QR… có như vậy mặt hàng đặc sản miền núi này sớm sẽ có giá trị bền vững trên thị trường, tránh tình trạng vào vụ mất giá”, anh Đào Quang Hiển chia sẻ.

Được nhập về trồng ở Khánh Sơn từ năm 1990, cây mía tím tuy giá bán ra không cao nhưng là cây trồng thích hợp với nhiều vùng đất của huyện. Với các điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu, cây mía tím sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu nhập khá cao, ổn định. Từ diện tích nhỏ trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay, toàn huyện đã phát triển lên hơn 320 ha mía tím, tập trung tại các xã Sơn Hiệp, Ba Cụm Bắc, Sơn Trung, Sơn Bình… Với đặc tính thơm, ngọt lại mềm, cây mía tím được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Anh Bo Bo Xuân Hiện - người trồng mía cho biết, mía tím Khánh Sơn được Tổ hợp tác trồng mía xã Sơn Hiệp trồng từ năm 2019 đến nay có năng suất cao, đem lại thu nhập ổn định cho 21 xã viên. Hơn thế nữa, mía tím tươi của Hợp tác xã được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa công nhận sản phẩm đạt 3 sao OCOP. Ngoài quả sầu riêng của huyện, chuối, mía tím là sản phẩm thứ 3 đạt chứng nhận. Do đó, nông dân tiếp tục cải thiện phương pháp trồng trọt để đạt năng suất và nâng cao chất lượng mía tím.

Ông Trần Tấn Chóng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Hiệp khẳng định, so với cây trồng khác tại địa phương như ngô, mì, lúa rẫy, cây mía tím hiệu quả kinh tế hơn. Xã thường xuyên tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mía tím cho người dân, đồng thời khuyến cáo trồng xen cây họ đậu, ngô để duy trì độ phì nhiêu cho đất.

Khánh Sơn vẫn mờ sương vào mỗi sáng sớm, nhưng ẩn đằng sau đó là sự nhộn nhịp trong mỗi ngày mới, khởi đầu một ngày làm việc tất bật của người nông dân. Các đường làng ngõ bản rộn ràng hơn hẳn bởi những chuyến xe từ miền ngược lên thu mua nông sản về đất liền bán hay những lễ hội quảng bá cây trái của “xứ sở sương mù Đà Lạt thứ 2”. Mới đây, lễ hội trái cây của huyện đã thu hút hàng dài những đoàn xe đưa du khách từ các nơi đổ về tham quan và mua sắm đặc sản địa phương. Chị Nguyễn Thị Mỹ Trâm, trú thành phố Nha Trang chia sẻ, không chỉ trái cây tươi ngon, trải nghiệm đêm ở thị trấn Tô Hạp cũng rất thú vị.

“Sầu riêng là đặc sản của địa phương này. Lên đây, gia đình tôi rất thích quả này lên đây liền tìm vào vườn để mua, ăn rất ngon. Trái cây Khánh Sơn ngon chẳng thua kém nơi nào”, chị Trâm vui vẻ nói.

Khánh Sơn - Miền cây trái ngọt ảnh 2Sầu riêng Khánh Sơn - một thương hiệu đặc sản mới được công nhận tại huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hoà). Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Người mua vui vẻ, người bán cũng được cởi tấm lòng, cười nói râm ran. Chị Nguyễn Thị Hoài Thu, Tổ hợp tác Ba Cụm Bắc, xã Ba Cụm Bắc cho biết các mặt hàng trái cây ở huyện mấy năm gần đây, nhờ chính sách quảng bá rộng rãi, việc tiêu thụ khá dễ dàng. Cao điểm là vào các dịp lễ hội, hội chợ, trái cây của tổ hợp tác bán ra không còn hàng tồn kho.

Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn cho biết: thực hiện chủ trương của huyện, người dân Khánh Sơn đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp để tạo lập thành những vườn cây, vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, được người tiêu dùng và thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến. Chính điều này góp phần tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Cuối năm 2021, điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025, toàn huyện Khánh Sơn có 3.530 hộ nghèo, chiếm 47,43% tổng số hộ và 1.405 hộ cận nghèo chiếm 18,88%. Đây là những con số khiến chính quyền luôn trăn trở, tìm cách để người dân nhanh chóng thoát nghèo, trong đó ưu tiên cho việc tiếp tục chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao.

Để ngành Nông nghiệp Khánh Sơn ngày càng có hiệu quả và gia tăng giá trị, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho rằng, các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân huyện Khánh Sơn cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái ngành trái cây, đồng thời, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…

Ngoài ra, để nông sản, trái cây, sản phẩm OCOP phát triển bền vững, Khánh Sơn cần tập trung giải quyết 5 vấn đề căn bản, đó là xây dựng thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác công - tư; phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Với những mô hình, cây ăn quả chủ lực, Khánh Sơn cần tiếp tục đổi mới các mô hình sản xuất để giúp người dân thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Phấn đấu đến cuối năm 2025, Khánh Sơn cùng với huyện miền núi Khánh Vĩnh sẽ thoát khỏi huyện nghèo theo tinh thần Nghị quyết về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh" mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa đề ra.

Phan Sáu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm