Khánh Hòa: Trên những nẻo đường xuân vùng cao Khánh Sơn

Một cửa hàng trà - cafe mới được khai trương dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần ở huyện miền núi Khánh Sơn, làm điểm dừng chân cho du khách gần xa khi đến với vùng cao du lịch. Ảnh: TTXVN phát
Một cửa hàng trà - cafe mới được khai trương dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần ở huyện miền núi Khánh Sơn, làm điểm dừng chân cho du khách gần xa khi đến với vùng cao du lịch. Ảnh: TTXVN phát

Trở lại huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa vào mùa xuân, bỗng thấy lạ lẫm trước những đổi thay về diện mạo vùng cao nơi đây. Ven đường, các điểm vui chơi, ăn uống, cửa hàng bán đặc sản hiện nay đã được người dân địa phương đầu tư bài bản để phục vụ khách du lịch, người dân đến du xuân, tham quan và nghỉ ngơi.

Khánh Hòa: Trên những nẻo đường xuân vùng cao Khánh Sơn ảnh 1Một cửa hàng trà - cafe mới được khai trương dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần ở huyện miền núi Khánh Sơn, làm điểm dừng chân cho du khách gần xa khi đến với vùng cao du lịch. Ảnh: TTXVN phát

Rong ruổi trên những con đường ở vùng cao Khánh Sơn vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, giữa những vườn cây trái xanh mướt là mái ngói đỏ tươi lấp ló, không ít ngôi nhà vẫn thơm mùi sơn mới. Hương xuân đã lan tỏa khắp những nẻo đường, từ trung tâm huyện đến các buôn làng. Bên mỗi căn nhà ven đường, hoa xuân nở như điểm tô thêm cho hương sắc núi rừng, khói bếp mượt mà vươn cao, tất cả như nói rằng, lại một mùa xuân ấm no nữa về với bà con nơi đây.

Chị Hồ Thị Thanh Thủy, Chủ cửa hàng đặc sản Phương Đài, thị trấn Tô Hạp cho biết, cửa hàng vừa khai trương khoảng một tháng, là điểm dừng chân cho khách phương xa đến với Khánh Sơn và cũng là điểm giới thiệu các nông sản đặc trưng vùng cao. Trong số các đặc sản, sầu riêng là sản phẩm không thể thiếu để du khách thưởng thức, sầu riêng nơi đây là sản phẩm đông lạnh, tích trữ do tình hình dịch COVID-19 bởi khó khăn trong việc di chuyển, tiêu thụ nông sản.

Nói thêm về ý tưởng mở cửa hàng đặc sản ở huyện vùng cao này, chị Thanh Thủy khẳng định, trước đây người dân chỉ chú trọng trồng cây, tiêu thụ quả cho thương lái, chưa tự mình làm chủ sản phẩm nên giá trị nông sản vẫn chưa được người tiêu dùng biết đến. Vì vậy, cửa hàng này là để nông dân yên tâm trồng sản phẩm, giúp đầu ra luôn có giá ổn định. Đồng thời, để du khách gần xa khi đến Khánh Sơn sẽ có trải nghiệm dịch vụ tốt nhất.

Không riêng gì cửa hàng đặc sản, Khánh Sơn sau những ngày tháng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 thì quán ăn, quán nước, nhà nghỉ được đầu tư phát triển nhiều hơn, tạo điểm nhấn mới mẻ và phong cách cho huyện miền núi.

Anh Duy Nguyễn, Chủ tiệm cà phê - trà “Mây ngàn”, thị trấn Tô Hạp cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở vùng đất có khí hậu tuyệt vời không khác gì thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. Do đó, sau khi đi học, làm việc một số nơi, anh nhận ra phát triển tại quê nhà sẽ giúp nhiều người biết đến Khánh Sơn hơn nữa. Chàng trai 9X này chọn thiết kế quán cà phê theo phong cách mộc mạc, tạo nên khung cảnh quán y như sản phẩm giữa tự nhiên để khi du khách đến Khánh Sơn du lịch, nghỉ ngơi sẽ có điểm dừng chân trà nước thoải mái nhất.

Trong những ngày Tết Nguyên đán, quán cà phê - trà “Mây ngàn” là điểm đến lý tưởng cho các bạn trẻ trong huyện, cho du khách phương xa ghé thăm. Do quán vừa khai trương trước Tết nên lượng khách đến với quán chưa đông. Tuy nhiên, anh tin trong tương lai Khánh Sơn ngày càng phát triển, việc phát triển dịch vụ ăn uống kèm theo là tất yếu, anh Duy Nguyễn bày tỏ.

Đường lên Khánh Sơn mùa này cũng khang trang hơn rất nhiều, nhiều con đường hư hỏng do đợt mưa lũ năm 2021 nay đã được tu sửa. Với đặc thù huyện miền núi, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, các dịch vụ vẫn còn hạn chế. Tuy vậy, Ủy ban ban nhân dân huyện Khánh Sơn đã chủ động các chương trình đáp ứng nhu cầu vui xuân, đón Tết của người dân.

Mặc dù năm qua Khánh Sơn cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp do dịch COVID-19, thời điểm cao nhất có gần 100 ca mắc/ngày nhưng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền và người dân, tình hình dịch tại huyện đã kiểm soát được và cùng với tỉnh Khánh Hòa bước sang trạng thái bình thường mới. Các hoạt động để cho người dân vui xuân, đón Tết được huyện triển khai rộng khắp. Tại thị trấn Tô Hạp, nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật diễn ra đã thu hút người dân địa phương đến du xuân. Các tiểu cảnh hoa và hình biểu trưng con hổ là thu hút đông người dân đến chụp ảnh để lưu giữ cho mình những khoảnh khắc đẹp.

Ông Cao Minh Vỹ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn cho biết, bên cạnh việc chỉnh trang, trang trí các tuyến đường, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao “Mừng Đảng - Mừng Xuân Nhâm Dần năm 2022” ở cấp huyện, thì ở các xã, thị trấn đều có các chương trình riêng, mang nét bản sắc của người dân tại đó. Trong các chương trình, các đơn vị được giao có trách nhiệm xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo người du xuân thực hiện tốt 5K khi tham gia lễ hội.

Bên cạnh sự chung sức của toàn xã hội, những năm qua, nhờ sự nỗ lực của người dân, cùng các chính sách chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái chủ lực mà đời sống người dân núi rừng Khánh Sơn khởi sắc hơn. Năm 2021 nhờ thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng, ngành nông nghiệp huyện giữ mức tăng tưởng khá, khẳng định là trụ đỡ của kinh tế huyện Khánh Sơn. Đặc biệt, cây sầu riêng - cây đặc trưng của huyện tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Anh Trần Anh Tuấn, tổ hợp tác sầu riêng Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn cho hay, nhờ có cây sầu riêng mà đời sống của gia đình anh và các thành viên khác thay đổi rõ rệt. Gia đình anh từ 2 ha sầu riêng nay đã phát triển lên 5 ha. Tất cả công đoạn trồng đều được thực hiện theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm sầu riêng trong tổ hợp tác đều đảm bảo vị ngon rất riêng của núi rừng Khánh Sơn.

Vụ mùa năm 2021, 5 ha sầu riêng của anh Tuấn cho nhiều trái, giá thành sản phẩm dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn cơ bản có lãi. Thu nhập ổn định đã giúp tự tin hơn vào con đường lập nghiệp trồng sầu riêng theo kỹ thuật tiên tiến, tiêu chuẩn VietGap góp phần đưa thương hiệu sầu riêng Sơn Hiệp Khánh Sơn ngày càng phát triển.

Ông Đỗ Huy Nhi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Khánh Sơn cho biết, hướng tới xây dựng thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn, huyện chủ động lên kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc sinh học trong công tác phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng với tiêu chuẩn; thu hoạch đúng độ tuổi để đảm bảo chất lượng.

Năm 2022, ngành nông nghiệp Khánh Sơn tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi và đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý.

Năm 2021, huyện Khánh Sơn giảm được 375 hộ nghèo với mức giảm 5,86%, vượt 17% kế hoạch được giao; tỷ lệ lao động có việc làm được tăng lên; các chương trình an sinh xã hội, chính sách về dân tộc, tôn giáo đến tận các thôn bản và người dân ở vùng sâu. Trong năm mới Nhâm Dần, chính quyền và nhân dân Khánh Sơn đều phấn khởi trước những thành tựu đạt được của quê hương, trong năm 2022 hy vọng người dân nơi đây được mùa bội thu, đẩy lùi dịch COVID-19, phát triển quê hương mạnh mẽ hơn nữa.

Phan Sáu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm