Khánh Hòa thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng

Tỉnh Khánh Hòa vừa có kế hoạch sẽ chi gần 8 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025 từ ngân sách cấp tỉnh để thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Chính sách này nhằm hoàn thiện chất lượng các điểm du lịch cộng đồng hiện có và phát triển thêm các điểm đến mới tại vùng ven đô thị, vùng nông thôn và miền núi của địa phương. Qua đó Khánh Hòa sẽ đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, tạo kết nối các khu, điểm du lịch khác trên toàn tỉnh để kéo dài thời gian lưu trú của du khách, đồng thời để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm văn hóa và sinh hoạt bản địa ngày càng cao của du khách.

Khanh Hoa thuc hien chinh sach ho tro phat trien du lich cong dong hinh anh 1Trải qua hơn 200 năm tồn tại, với nhiều biến cố, thăng trầm lịch sử nhưng làng Phú Vinh (xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) vẫn giữ được những nét rất riêng và độc đáo, mang đặc trưng của làng quê miền Trung xưa bởi những ngôi nhà cổ. Hiện, cả làng có 6 ngôi nhà cổ gần như còn nguyên trạng và đều nằm trên trục đường vòng cung của xã Vĩnh Thạnh. Những ngôi nhà này được xây dựng ở những vị trí đắc địa, rộng rãi, thoáng mát. Nhà có kết cấu bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương hoặc ngói liệt; cửa chính, cửa hông được làm bằng gỗ sao, gỗ gõ; các vì, kèo xà, con đội… được chạm khắc nhiều loại hoa văn tinh xảo. Những ngôi nhà cổ này thu hút được nhiều du khách đến tham quan. Trong ảnh: Ngôi nhà của ông Nguyễn Xuân Hải nằm trong khuôn viên một khu vườn rộng hơn 4.000 m2, được xây dựng theo kiểu nhà Việt cổ truyền thống với ba gian, hai chái nối liền nhau, lợp ngói âm dương. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Theo đó, Khánh Hòa sẽ chi hỗ trợ kinh phí để lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn ở các điểm du lịch với mức 15 triệu đồng cho mỗi điểm du lịch cộng đồng; hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch thu hút sự tham gia cung cấp dịch vụ du lịch với mức 40 triệu đồng cho mỗi sản phẩm du lịch cộng đồng; hỗ trợ UBND huyện kinh phí để tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ du lịch cho cá nhân, hộ gia đình trong cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ du lịch cho mỗi địa phương cấp huyện/ năm; hỗ trợ công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến sản phẩm du lịch cộng đồng với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/năm/địa phương (cấp huyện).

Theo đánh giá của UBND tỉnh Khánh Hòa, tỉnh này có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, với bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất đón ánh nắng mặt trời đầu tiên tại cực Đông của Tổ quốc, vùng nông thôn ven thành phố và vùng cao với cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống đã và đang gìn giữ, bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống như trang phục, nếp sinh hoạt, văn hóa ẩm thực, lễ hội, âm nhạc, dân ca, dân vũ và cách thức sản xuất một số nghề thủ công mang những giá trị văn hóa đặc trưng. Ngoài ra, ở Khánh Hòa hệ sinh thái tự nhiên như sông, hồ, suối, ghềnh thác, đầm phá tạo nên cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hoang sơ, đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch gắn với cộng đồng như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch lịch sử, du lịch nông nghiệp...

Tuy nhiên, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, việc phát triển du lịch cộng đồng ở Khánh Hòa trong thời gian qua còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu sự đầu tư; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu các sản phẩm thực sự mới lạ, hấp dẫn. Cùng với đó là chất lượng dịch vụ hạn chế, cơ sở hạ tầng du lịch cộng đồng còn yếu kém, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong quản lý và phát triển du lịch lĩnh vực này còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ…

Chỉ tính trong giai đoạn 2016-2019, trung bình mỗi năm Khánh Hòa chỉ đón được khoảng 10.000 lượt du khách thông qua du lịch cộng đồng, qua đó doanh thu du lịch và dịch vụ chỉ đạt hơn 2,5 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, tính chung ở giai đoạn 2016-2019, Khánh Hòa đã thu hút trên 23 triệu lượt khách lưu trú đến tham quan, nghỉ dưỡng, doanh thu du lịch mỗi năm tăng trên 26%; trong đó số khách du lịch quốc tế đạt hơn 9,5 triệu lượt.

Tiên Minh

Tin liên quan

Khánh Hòa: Khi du lịch cộng đồng còn bỏ ngỏ

Khánh Hòa từ lâu được xác định là một trong những trung tâm du lịch biển đảo, dịch vụ lớn của cả nước, là vùng đất có nền văn hóa biển, lịch sử lâu đời và đặc sắc của Việt Nam. Nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, bãi tắm đẹp, tự nhiên phân bố đều ở ba vịnh Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang và trên các đảo tạo nên bản sắc riêng về du lịch biển – đảo, trở thành thương hiệu mà du khách xa gần biết đến.


Khánh Hòa xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch cho 10 năm tới

Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa giao nhiệm vụ cho Sở Du lịch tỉnh chủ trì, tìm kiếm, đề xuất các định hướng xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc sắc, đa dạng, đồng bộ, chất lượng cao, phù hợp với tình hình mới hậu COVID-19, đáp ứng các xu hướng thay đổi của thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế trong giai đoạn 2021 - 2030.


Khánh Hòa phát triển làng nghề nông thôn gắn với du lịch

Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Dự án quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Quy hoạch này dựa trên quan điểm phù hợp với tiến trình xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống mang bản sắc văn hóa địa phương, đặc biệt tạo sự gắn kết để phục vụ phát triển du lịch vốn là thế mạnh của Khánh Hòa.



Đề xuất